Cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lan rộng khắp Đông Nam Á
Bộ Y tế Singapore xác nhận có 1 ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại nước này, và cảnh báo các quốc gia trong khu vực cần theo dõi chặt chẽ tình hình trong thời gian tới.
>>Thận trọng với bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu
Bộ Y tế Singapore đã xác nhận một ca mắc đậu mùa khỉ là người nhập cảnh, mang quốc tịch Anh. Bệnh nhân này 42 tuổi, làm tiếp viên hàng không. Trong thời gian lưu trú ở Singapore từ ngày 15 đến ngày 19/6, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ.
Đây cũng là ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và được điều trị tại Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NCID) của Singapore. Hiện 13 người tiếp xúc gần nhất với bệnh nhân đã được xác định và sẽ cách ly trong 21 ngày kể từ lần tiếp xúc với bệnh nhân.
Trước đó, Hàn Quốc cũng đã báo cáo 2 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông tin, một trong những ca nghi mắc là người nước ngoài, nhập cảnh Hàn Quốc ngày 20/6 và một người khác là người Hàn Quốc trở về vào ngày 21/6.
Dự kiến, Tổ chức Y tế Thế giới WHO sẽ có cuộc họp khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ để đánh giá liệu sự lây lan hiện nay của bệnh đậu mùa khỉ có phải là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) hay không.
Theo Tiến sĩ Ibrahima Soce Fall, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Phi cho biết số ca bệnh đang tăng lên mỗi ngày và các quan chức y tế phải đối mặt với “nhiều lỗ hổng kiến thức về động lực của sự lây truyền”.
“Với lời khuyên từ Ủy ban khẩn cấp của WHO, chúng tôi có thể ở vị trí tốt hơn để kiểm soát tình hình. Nhưng điều đó không có nghĩa là cần tuyên bố tình trạng PHEIC. Tuy nhiên các quốc gia trong khu vực châu Á cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để chủ động các phương án phòng bệnh phù hợp thực tiễn”, ông Fall cho hay.
Cho đến vài tháng trước, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu xuất hiện ở khu vực Tây và Trung Phi, tuy nhiên, hiện căn bệnh này đã có mặt ở một số lục địa khác. Nhưng trong hai tuần gần đây, số ca mắc đậu mùa khỉ đều tăng 64- 65%/tuần. Tính đến ngày 17/6, tổ chức này đã nhận được báo cáo về 2.103 trường hợp ở 42 quốc gia ở 5 khu vực WHO quản lý.
Đây đều là các quốc gia không phải nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu. Do đó, WHO đã xóa bỏ sự phân biệt giữa quốc gia lưu hành và không lưu hành bệnh để có thể thống nhất trong cách phản ứng và thu thập báo cáo từ các quốc gia.
>>WHO cảnh báo không dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch COVID-19
Làn sóng đậu mùa khỉ hiện nay chủ yếu ảnh hưởng đến những đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Các bệnh nhân đều cho biết họ có quan hệ tình dục và có bạn tình mới trước khi phát hiện nhiễm virus. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chưa có bằng chứng bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua đường này. Thay vào đó, có khả năng bệnh lây qua tiếp xúc gần với người bệnh.
Dữ liệu cho thấy, các triệu chứng bệnh tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn nhiều và hầu hết bệnh nhân hồi phục sau 3 - 4 tuần. Trước mắt, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi các nước mở cửa du lịch trở lại, nguy cơ dịch bệnh bùng phát sẽ tăng mạnh. Do đó, biện pháp kiểm dịch chính vẫn là giám sát, theo dõi tiếp xúc, cách ly bệnh nhân và những trường hợp có tiếp xúc gần.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thuộc WHO khuyến nghị chỉ tiêm vaccine cho những người có nguy cơ bị phơi nhiễm cao như nhân viên y tế thường xuyên làm việc với người bệnh, nhân viên y tế công cộng, nhân viên phòng thí nghiệm. Mặt khác, WHO cho rằng chưa cần đưa ra bất kỳ hạn chế đi lại cụ thể nào do dịch bệnh bùng phát.
Theo WHO, việc nâng cao nhận thức về bệnh đậu mùa khỉ đang ngày một trở nên cấp thiết. Các quốc gia cần phổ biến việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người có triệu chứng. Nếu cần tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang, sử dụng gang tay dùng một lần; Đồng thời thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, giữ tay sạch bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn; khuyến khích người nhiễm bệnh tự cách ly và che các vùng tổn thương da.
Có thể bạn quan tâm
Thận trọng với bệnh đậu mùa khỉ tại châu Âu
04:30, 23/05/2022
Hướng dẫn mới từ WHO: Ai cần dùng thuốc Molnupiravir nhất?
01:36, 04/03/2022
WHO thảo luận điều kiện để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu do COVID-19
13:55, 13/03/2022
WHO cảnh báo không dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch COVID-19
11:25, 20/04/2022