Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?
Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến sự ở Ukraine, nếu lằn ranh đỏ bị vượt quá.
>> Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân
Khi chiến sự Nga- Ukraine đang diễn ra ác liệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Bất cứ ai cố gắng cản trở chúng tôi, chưa nói đến việc tạo ra các mối đe dọa cho đất nước và người dân của chúng tôi, phải biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức và dẫn đến những hậu quả chưa từng thấy trong lịch sử”. Điều này hàm ý rằng ông Putin cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng.
Ngay cả Tổng thống Ukraine Zelensky đã từng tuyên bố Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để giành chiến thắng ở Ukraine và kêu gọi thế giới chuẩn bị cho khả năng đó.
Ông Richard K. Betts, Giáo sư về chiến tranh và hòa bình tại Đại học Colombia, cho rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là nguy cơ lớn nhất nếu cuộc chiến diễn ra theo hướng có lợi cho Ukraine. Nga có thể làm điều này bằng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine, hoặc kích hoạt một vụ nổ trên khu vực trống để cảnh báo các quốc gia có liên quan.
Trước nguy cơ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, câu hỏi đặt ra là liệu điều này có nên tạo thành ranh giới đỏ thực sự đối với phương Tây hay không?. Nói cách khác, liệu NATO có chuyển sang tham chiến trực tiếp, thay vì chỉ viện trợ cho Ukraine như hiện nay?
Ông Richard K. Betts cho rằng, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân có thể khiến NATO sợ hãi, không vượt qua ranh giới đó, và có thể sẽ tìm cách buộc Ukraine phải nhượng bộ Nga. Nếu việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga không kích động NATO tham chiến trực tiếp, Nga có thể sẽ mở rộng quy mô hạt nhân để nhanh chóng đánh bại Ukraine.
“Trong trường hợp đó, Mỹ và phương Tây có thể sẽ phải tăng truyền thông lên án các hành động của Nga, đồng thời tăng các lệnh trừng phạt kinh tế nhưng không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ giúp Nga hoàn toàn có quyền tự do hành động quân sự, bao gồm sử dụng vũ khí hạt nhân, quét sạch hệ thống phòng thủ của Ukraine”, ông Richard K. Betts nhận định.
>> "Nóng" cuộc đua vũ khí hạt nhân
Trong trường hợp NATO cùng Ukraine quyết định tấn công chống lại Nga, nhiều câu hỏi được đặt ra họ có sử dụng vũ khí hạt nhân không và sẽ thực hiện bằng cách nào?. Ông Richard K. Betts cho rằng, đó có thể là một cuộc phản công tiêu diệt các mục tiêu của Nga. Đây là trường hợp có thể đoán được, nhưng ít có khả năng xảy ra, vì cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện sẽ hủy diệt cả thế giới.
Một lựa chọn ít nguy hiểm hơn là Mỹ và phương Tây sẽ đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của Nga bằng cách phát động một chiến dịch không kích bằng các loại vũ khí thông thường nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga và huy động lực lượng mặt đất để đẩy mạnh triển khai lực lượng trong chiến sự ở Ukraine.
Để chống lại Nga, ngoài các hành động nói trên, ông Richard K. Betts cho rằng NATO phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các bên thứ ba mà ông Putin không muốn họ hỗ trợ Mỹ và phương Tây, như Trung Quốc, Ấn Độ… NATO cần thuyết phục các nước này tuyên bố rằng, việc tiếp tục hợp tác kinh tế với Nga phụ thuộc vào việc Nga hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, thuyết phục Ấn Độ có thể được, còn với Trung Quốc thì khó, vì Trung Quốc đang có nhiều lợi ích khi hợp tác với Nga.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc “so găng” giữa Nga với NATO sẽ ngày càng có nguy cơ xảy ra, làm tình hình an ninh của châu Âu, cũng như xung đột Nga-Ukraine căng thẳng hơn. Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh hạt nhân không có người chiến thắng. Do đó, các bên liên quan phải hết sức kiềm chế để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm