Chiến sự Nga – Ukraine: Đòn quyết định sẽ thuộc về ai?
Sau khi quân đội Nga kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk, cuộc chiến Nga - Ukraine đã đi tới một ngã rẽ mới khi quân đội hai bên đang dốc lực chuẩn bị cho trận chiến lớn.
>> Ukraine rục rịch phản công Nga ở phía Nam
Bài học từ lugansk
Khác với những trận đánh mở màn với dồn dập các đợt tấn công từ phía Bắc, Đông, Tây và hạ màn với thất bại chiếm lấy Kiev và các thành phố chủ chốt của Ukraine, trong 3 tháng vừa qua, quân đội Nga trải qua khoảng thời gian đầy sóng gió.
Điện Kremlin đã điều hướng lại quân đội của mình, thu hẹp mục tiêu, nhắm vào khu vực đi qua Lugansk tới Donetsk, từ đó thắt chặt ranh giới của cuộc chiến. Ông Max Bergmann, Giám đốc chương trình châu Âu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Giai đoạn thứ 2 của chiến Nga- Ukraine đã chứng kiến một nước Nga quay trở lại với những quy tắc cơ bản sau khi rút ra bài học từ chiến sự ở Lugansk.”
Nhờ đó, Nga đã có những bước tiến chậm nhưng chắc và sau những giao tranh kéo dài, đã chiếm được các thành phố chiến lược của Ukraine, đồng thời buộc quân Ukraine bộc lộ điểm yếu.
Ông Justin Bronk, Thành viên nghiên cứu cấp cao về Công nghệ và Lực lượng Hàng không tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (RUSI) cho biết: “Tất cả đội hình tác chiến điện tử, phòng không và thiết giáp của Nga có thể tập trung vào những khu vực nhỏ nhất, cho phép họ tạo ra ưu thế cục bộ so với các vị trí phòng thủ rộng lớn hơn của Ukraine”.
Nhưng ba tháng chiến đấu liên miên đã gây thiệt hại cho quân đội hai bên. Đặc biệt, việc chiếm đánh Lugansk đã khiến đội quân hai nước kiệt quệ.
Viện nghiên cứu Chiến Tranh Mỹ (ISW) dự đoán, nước Nga chuẩn bị cho phép quân đội tạm dừng chiến đấu một thời gian. Lực lượng Nga cần hồi sức, trong khi Ukraine đang trong cuộc đua tiếp nhận, vận chuyển và làm quen với vũ khí mới được cung cấp từ Mỹ và phương Tây.
“Bề ngoài, có vẻ chúng ta đang có một khoảng dừng, nhưng đằng sau đó, quân đội 2 bên đang gấp rút chuẩn bị cho những đợt tấn công tương lai. Nga hay Ukraine, bên nào biết tận dụng giai đoạn này hiệu quả hơn, hoàn toàn có thể chiếm lợi thế về sau”, ông Max Bergmann nhấn mạnh.
Tiêu điểm tiếp theo
Động thái tiếp theo của Nga được dự đoán là đẩy mạnh tiến công vào các khu vực do Ukraine kiểm soát ở Donetsk và bao vây quân đội Ukraine trong khu vực, hoàn thành mục tiêu chính mà ông Putin đề ra khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2/2022.
“Sloviansk và Kramatorsk ở phía Bắc Donetsk có thể sẽ trở thành Severodonestk và Mariupol tiếp theo”, ông Samir Puri, Thành viên cấp cao về an ninh đô thị và chiến tranh hỗn hợp của ISW, chia sẻ.
Sloviansk và Kramatorsk đã nằm trong tầm ngắm của Nga suốt nhiều tháng qua và hiện đang bị bao vây ở phía Đông và Nam bởi khu vực do Nga kiểm soát. Việc chiếm được 2 thành phố này sẽ là một bước đột phá lớn đối với Nga.
>> Dùng thêm vũ khí phi truyền thống, Nga có thắng được Ukraine?
Nhưng tuyến phòng thủ của Ukraine cũng không chịu lùi bước. “Ukraine sẽ có khả năng đánh tan quân Nga từ từ tại Donetsk, nhưng có thể thiếu đội hình bộ binh và thiết giáp đủ mạnh để chủ động tấn công”, ông Peri cho hay.
Mặt khác, trong những tuần gần đây, Ukraine đã chiếm lại được đảo Rắn và mở phản công gần Kherson, buộc Nga trong tư thế phòng thủ. Đêm thứ Hai vừa qua, quân đội Ukraine được cho là sử dụng hệ thống pháo HIMARS tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công kho vũ khí của Nga tại Nova Kakhovka
“Trong khi nước Nga vẫn đang tập trung nhắm tới khu vực nhỏ là Donbass, Ukraine đang nỗ lực tạo đột phá tại Kherson. Nếu Ukraine giành lại Kherson, nguồn cung ứng của Nga sẽ gián đoạn, và cầu nối bán đảo Crimea sẽ chịu ảnh hưởng”, ông Bronk nói.
Nắm bắt hỏa lực
Cuộc chiến Nga - Ukraine đang dần tiến tới tháng thứ 6, và diễn biến của giai đoạn tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị quân sự của 2 bên.
Một số nhà phân tích đã suy đoán rằng, việc Nga tăng cường sử dụng các tên lửa cũ và kém chính xác hơn như KH-22 - được phát triển vào những năm 1960, cho thấy nguồn dự trữ của nước này đang dần cạn kiệt.
Theo tình báo Anh, từ tháng 5, những chiếc xe tăng T-62 thời Liên Xô đã 50 năm tuổi, cũng được đưa ra tiền tuyến.
Trong khi đó, Ukraine đang nhận được số lượng lớn vũ khí tối tân, công nghệ cao do phương Tây viện trợ. Và theo ông Bronk, đây có thể là một "cơn ác mộng hậu cần" đối với Nga bởi Ukraine tiếp nhận đủ loại vũ khí từ các quốc gia khác nhau, phương pháp bảo trì vì thế cũng khác nhau. Đặc biệt, uy lực của nó cũng khó lường.
Tuy nhiên, ông Bergmann cho biết: “Ukraine có một thách thức hậu cần lớn: từ lực lượng vốn có nguồn gốc trang thiết bị từ Nga và Liên Xô, nay phải thích nghi nhanh chóng với vũ khí của NATO ngay trong quá trình chiến đấu hiện nay. Nếu khắc phục được yếu điểm này, Ukraine sẽ chiếm ưu thế.
Trận chiến dài hơi
Trọng tâm của quân đội Ukraine và phương Tây là đẩy lùi cuộc tấn công tiếp theo của Nga ở phía Đông.
Nhưng nếu nước đi của Nga tại Lugansk được lặp lại ở Donetsk, cuộc chiến có thể sẽ kéo dài sang tận mùa Đông năm nay - và một số chuyên gia đang bắt đầu cân nhắc những tác động lâu dài của cuộc chiến này.
Không có gì đảm bảo rằng ông Putin sẽ dừng lại chiến sự Nga- Ukraine khi chiếm được toàn bộ Donbass. "Nga quyết kiểm soát Donbass, nhưng nếu nước này nhìn thấy thêm lợi ích từ cuộc chiến, họ chắc chắn sẽ tìm cách để đạt được những mục tiêu lớn hơn", ông Bergmann nhận định.
Nếu nhìn xa ra ranh giới của Donbass, ông Putin có thể quyết định đẩy mạnh lực lượng về phía bờ sông Dnipro, chia cắt Ukraine từ Bắc xuống Nam. Đây sẽ là nỗ lực chiếm một nửa đất nước Ukraine - động thái sẽ khiến phương Tây lo sợ và kéo dài cuộc chiến.
Các nước NATO cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine bất chấp thời gian kéo dài của trận chiến. Nhưng vấn đề kinh tế có thể ảnh hưởng tới tất cả các bên. Nếu nền kinh tế suy thoái, năng lực hỗ trợ của phương Tây sẽ giảm đi đáng kể. Nga cũng gặp mối lo tương tự trước hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Về phía Ukraine, một cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập quốc gia này và với khả năng xuất nhập khẩu qua Biển Đen bị đóng băng, sản lượng ngũ cốc giảm sút nghiêm trọng. Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế Ukraine sẽ thụt giảm 45% trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước phương Tây có thể tìm đến biện pháp đàm phán hòa bình. Mỹ và các đồng minh gần đây cũng đã liên tục nhấn mạnh sự cần thiết của một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Các chuyên gia đồng tình rằng, khoảng thời gian sắp tới đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả của chiến sự Nga-Ukraine. "Diễn biến chiến trường sẽ quyết định kết quả trên bàn đàm phán. Khó có thể dự đoán được cuộc xung đột sẽ đi tới đâu?”, ông Bergmann nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm