"Cú sốc" nào cho thị trường nếu Nga bị áp trần giá dầu?
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo quốc gia này có thể ngừng cung cấp dầu cho thế giới nếu bị áp giá trần.
>>Mỹ chật vật tìm cách chặn nguồn doanh thu dầu mỏ của Nga
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: "Nếu mức giá trần mà các nước phương Tây nhắc tới thấp hơn giá thành sản xuất thì đương nhiên Nga không thể đảm bảo cung cấp dầu này cho thị trường thế giới. Đơn giản là chúng tôi không làm ăn thua lỗ".
Trước đó, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định động thái áp giá trần dầu khí sẽ gây kết cục tương tự đối với phương Tây, khi nhiều quốc gia ở châu Âu còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, điển hình là Đức.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, ý tưởng hạn chế khối lượng dầu xuất khẩu và áp trần giá dầu của Nga đều là tính toán sai lầm của Mỹ, phương Tây, và những điều tương tự đang xảy ra với khí đốt.
Trước đó, các quan chức Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga. Liên minh châu Âu (EU) cùng với các đối tác quốc tế sẽ thăm dò các biện pháp để kiềm chế giá năng lượng, trong đó nghiên cứu tính khả thi của phương án tạm thời áp mức trần giá nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, nếu phương Tây áp mức giá trần với dầu mỏ Nga thì rất có khả năng, quốc gia này sẽ cắt giảm sản lượng. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu càng trở nên thiếu hụt, đẩy giá dầu tăng mạnh.
Chuyên gia định giá dầu Jorge Montepeque đánh giá, các động thái tương tự áp mức trần giá dầu trong quá khứ cho thấy rằng điều này sẽ dẫn đến việc giá tăng cao hơn chứ không phải thấp hơn và dẫn đến sự xuất hiện của "thị trường ngầm" đối với dầu khí của Nga.
Đồng quan điểm, nhà tư vấn thị trường dầu lửa Andrew Lipow nhận định, “Nếu G7 thiết lập trần giá đối với dầu Nga, điều này sẽ khó thực thi nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga”.
Việc áp dụng trần giá cho dầu Nga chắc chắn đòi hỏi sự ủng hộ quốc tế rộng rãi để mang lại tác dụng như Mỹ mong muốn. Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn sẽ phản đối thực hiện điều này. Trong trường hợp, Mỹ trừng phạt những quốc gia giữ mối quan hệ kinh doanh với Nga, thị trường dầu mỏ sẽ trở nên hỗn loạn và giá dầu có thể vượt 200 USD/thùng, từ mức hơn 110 USD/thùng hiện nay. Đó chắc chắn là điều mà phương Tây không muốn khi xét tới việc giá xăng ở nhiều nước đang cao kỷ lục.
Hiện nay, sản lượng dầu của Nga đã ghi nhận chuỗi tăng kéo dài 3 tháng bất chấp các đòn trừng phạt chưa từng có từ phía Mỹ và đồng minh. Tình trạng gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá dầu thô toàn cầu tăng 50% trong nửa đầu năm. Điều này khiến kế hoạch trừng phạt của phương Tây phản tác dụng.
>>Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga
Theo nhiều nguồn tin, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi, Trung Đông đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga với giá rẻ, vì nhiều nhà máy lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu Nga theo gói trừng phạt thứ sáu của EU.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu từ xuất khẩu dầu của Nga đã vượt 20 tỷ USD trong tháng 6 dù số lô hàng bán sang các thị trường nước ngoài sụt giảm. Bộ Tài chính Nga cũng cho biết, trong tháng 6, giá dầu Ural của Nga tăng 10,7% và đạt mức trung bình 87,25 USD/thùng.
Sản lượng dầu thô của Nga tăng khi các hãng lọc dầu tăng hoạt động nhờ đã thích ứng với những đòn trừng phạt của phương Tây. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, nguồn cung cho hoạt động lọc dầu ở Nga đạt 5,75 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 6% so với mức trung bình tháng 6.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc chiến giá dầu Nga - Iran tác động thế nào đến thị trường toàn cầu?
11:51, 10/07/2022
Hệ lụy từ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Mỹ?
04:35, 10/03/2022
Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga
04:30, 28/06/2022
Mỹ chật vật tìm cách chặn nguồn doanh thu dầu mỏ của Nga
04:30, 22/06/2022
Châu Âu nếm "trái đắng" khi cấm vận dầu mỏ của Nga
04:30, 17/06/2022