Hiện tại, Nga và Iran đang chạy đua giá dầu để thu hút nguồn khách hàng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
>>Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga
Sau khi các nước phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt vào ngành công nghiệp năng lượng Nga kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến tại Ukraine, quốc gia này đã nhanh chóng chuyển hướng sang những thị trường lớn tại châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.
Xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5. Nga hiện vượt Saudi Arabia để trở thành quốc gia cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Điều này đã thúc đẩy Iran, đối tác xuất khẩu dầu lớn của Trung Quốc đã bắt đầu có những động thái giảm giá để cạnh tranh với dầu Nga.
So với trước khủng hoảng Ukraine, dầu thô Iran vốn đã rẻ giờ còn giảm thêm. Cụ thể, các nhà giao dịch cho biết, dầu Iran hiện được giao dịch với mức giá thấp hơn dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu khoảng 10 USD/thùng, tương đương với các lô hàng Urals giao tháng 8. Như vậy, so với thời điểm trước xung đột Nga - Ukraine, giá đã giảm khoảng 4-5 USD/thùng.
Các chuyên gia cảnh báo, cuộc chạy đua giá dầu giữa Nga và Iran sẽ có những tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ thế giới khi Trung Quốc là đối tượng hưởng lợi chính trong câu chuyện này. Như bà Jane Xie, nhà phân tích dầu cao cấp tại Kpler chỉ ra, việc Trung Quốc sẵn sàng mua dầu thô giá rẻ bất chấp nguồn gốc sẽ hạn chế dòng chảy năng lượng từ các quốc gia xuất khẩu dầu khác.
"Tây Phi là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các nước Angola, Gabon và Congo. Một khi giá dầu của Nga và Iran giảm mạnh, nguồn dầu thô châu Phi sẽ giảm tính cạnh tranh về giá khi chi phí vận chuyển cao hơn để tới Trung Quốc", chuyên gia này cho biết.
>>Mỹ chật vật tìm cách chặn nguồn doanh thu dầu mỏ của Nga
Trên thực tế, Nga vẫn sản xuất nhiều dầu hơn mức có thể sử dụng ở nội địa, vì vậy nước này vẫn đang nỗ lực tìm nguồn cung tại các quốc gia châu Á. Nhưng không có nhiều quốc gia sẵn sàng mua dầu thô của Nga ngay bây giờ. Hugh Daigle, giảng viên kỹ thuật dầu khí tại Đại học Texas, cho biết: “Đó là một khía cạnh thú vị của vấn đề cung và cầu. Khi có nguồn cung vượt quá cầu, bạn sẽ bán nó với mức lỗ. Và đó là những gì chúng ta đang thấy".
Theo Ellen R. Wald, chủ tịch của Transversal Consulting đánh giá, nhiều khả năng, giá dầu tại một số nước sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. "Khi Nga bán hàng giảm giá, các quốc gia bị trừng phạt khác đang bị buộc phải làm theo. "Iran đã gặp phải vấn đề khi họ có rất nhiều dầu nằm trong kho nổi bởi vì quốc gia này đã lấp đầy kho lưu trữ của mình. Và sau đó nó phải bán bớt dầu đi đâu đó", ông cho biết.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược về xu hướng giá dầu trong những tháng cuối năm. Các chuyên gia thuộc Citigroup nhận định giá dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng vào cuối năm nay và tiếp tục giảm xuống còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, khiến nhu cầu năng lượng đi xuống.
Điều này sẽ diễn ra với điều kiện các nhà sản xuất OPEC+ không can thiệp và các khoản đầu tư vào dầu khí suy giảm. Hiện các bộ phận phân tích đang cố dự báo về xu hướng giá dầu trong năm 2023 khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và rủi ro suy thoái tăng. Các chuyên gia kinh tế của Citigroup không cho rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trong thời gian tới.
Các dự báo khác nhau cho thấy việc đưa ra các dự báo dài hạn về thị trường dầu mỏ quốc tế là không dễ dàng trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Đồng thời, nhiều yếu tố khác có thể tác động đến kịch bản giá dầu trong những tháng tới. "Đối với dầu mỏ, lịch sử cho thấy nhu cầu về dầu sẽ chỉ giảm khi có suy thoái kinh tế toàn cầu", các chuyên gia phân tích của Citigroup cho biết trong báo cáo mới nhất.
Có thể bạn quan tâm
Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga
04:30, 28/06/2022
Mỹ chật vật tìm cách chặn nguồn doanh thu dầu mỏ của Nga
04:30, 22/06/2022
Châu Âu nếm "trái đắng" khi cấm vận dầu mỏ của Nga
04:30, 17/06/2022
“Cú sốc” cấm vận dầu mỏ Nga
12:06, 05/06/2022
Nga "né" lệnh trừng phạt dầu mỏ của EU như thế nào?
04:30, 03/06/2022