Mỹ tìm cách kiềm chế Trung Quốc ở Ấn Độ- Thái Bình Dương
Ông Gen Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại: “Quân đội Trung Quốc đang dần trở nên hung hăng tại Ấn Độ- Thái Bình Dương, cả trên biển và trên không”.
>> Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương với tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine
Ông Gen Mark Milley đang thực hiện chuyến công du tới Ấn Độ- Thái Bình Dương nhằm mục đích thắt chặt mối quan hệ đồng minh và ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.
Dù từ chối công bố số liệu cụ thể, ông Milley cho biết số vụ va chạm giữa tàu và máy bay Trung Quốc với quân đội Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, đã tăng lên đáng kể trong vòng 5 năm qua. Số vụ va chạm nguy hiểm, vì thế, cũng tăng theo.
Phát biểu trên của ông Milley được đưa ra trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo quốc phòng của Indonesia, ngay trước ngày Tổng thống Indonesia Joko Widodo có chuyến thăm tới Trung Quốc vào thứ Hai tuần này.
Ông Gen Mark Milley nhấn mạnh, Indonesia nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương, nên Mỹ mong muốn hợp tác với Indonesia, nhằm hiện đại hóa lực lượng quân sự, qua đó đảm bảo rằng, về mặt địa chính trị, nước Mỹ có thể đương đầu với bất kỳ thách thức nào từ phía Trung Quốc.
Mối quan hệ Mỹ - Trung đang rơi vào giai đoạn căng thẳng nhất kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Trong cuộc điện đàm vào ngày 7/7 vừa qua với người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Lý Tác Thành, ông Milley đã đề cập tới các vụ va chạm và vấn đề Đài Loan - điểm nhức nhối trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Ông Lý Tác Thành kiên quyết: “Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ và mong rằng nước Mỹ dừng hợp tác quân sự với Đài Loan, tránh ảnh hưởng tới mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này.
>> Cơ hội nào từ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương?
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ và đồng minh cũng bày tỏ quan ngại, thỏa thuận an ninh ký giữa Bắc Kinh và quần đảo Solomon vào tháng 4 vừa qua có thể làm tiền đề cho sự gia tăng quân sự của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương. Mỹ và Australia đã tuyên bố sẽ không bỏ qua việc Solomon cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại quốc đảo này.
TS. George Carter, Chuyên gia nghiên cứu tại Khoa Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Úc, cho biết, việc ký kết với quần đảo Solomon mở ra cánh cửa để Trung Quốc có những bước tiến xa hơn trong khu vực, từ “đối tác kinh tế” trở thành “đối tác an ninh” trong khoảng thời gian chóng vánh.
“Nếu muốn ngăn cản cam kết quân sự của Trung Quốc trong thời gian tới, Mỹ cần phải nỗ lực xây dựng niềm tin và mối quan hệ có lợi với các nước biển đảo Thái Bình Dương sau hàng thập kỷ. Các quốc gia này đang có nhiều lựa chọn hợp tác phát triển hơn bao giờ hết. Thông báo mở 3 Đại sứ quán tại Solomon, Kiribati và Tonga của Washington là bước đi đầu tiên trong việc duy trì sự hiện diện trong khu vực”, TS. George Carter nhấn mạnh.
Theo TS. George Carter, việc sức mạnh Mỹ suy giảm trong khi lực lượng Trung Quốc có vẻ ngày càng mạnh lên tại Ấn Độ- Thái Bình Dương, không có nghĩa là cán cân quyền lực đang dần nghiêng hẳn về một bên. Thay vào đó, nó cho thấy mức độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tại khu vực này. Theo dự đoán của báo cáo xu hướng toàn cầu, 2030 là năm đánh dấu phát triển kinh tế vượt bậc, dẫn đầu bởi Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước sự hung hăng của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có những nỗ lực lớn trong việc mở rộng và thắt chặt mối quan hệ quốc phòng, an ninh với các quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm xây dựng một mạng lưới liên minh mạnh mẽ hơn và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ không tăng cường hiện diện và tạo chân rết mạnh mẽ tại khu vực này, thì sẽ khó kiềm chế được Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
QUAD tìm cách thay đổi "cán cân" tại Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
04:30, 25/05/2022
Kinh tế tại Đông Á và Thái Bình Dương “đương đầu với bão tố”
11:00, 05/04/2022
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương với tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine
02:36, 14/03/2022
Việt Nam trong vòng xoáy châu Á - Thái Bình Dương
05:30, 07/03/2022
Cơ hội nào từ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương?
01:00, 27/02/2022