Chiến lược mới về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đặt nhiều quốc gia trong khu vực vào thế phải lựa chọn, trong đó có Việt Nam.
>>Thấy gì từ việc Vương quốc Anh đẩy mạnh hiện diện tại Ấn Độ - Thái Bình Dương?
Chiến lược này gồm cả về chính trị, an ninh, kinh tế, công nghệ, trong đó nhấn mạnh trật tự và quản trị dựa trên luật lệ, trên các lĩnh vực, kể cả an ninh, tự do hàng hải, hàng không.
Chiến lược ủng hộ một ASEAN tăng cường năng lực và thống nhất; coi Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia là các đối tác hàng đầu, bên cạnh hai đồng minh là Philippines, Thái Lan.
Sở dĩ như vậy do ASEAN là chốt chặn trên con đường tiến ra Biển Đông, Thái Bình Dương của Trung Quốc, và cũng chính là nơi có nhiều quốc gia mâu thuẫn với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Hơn nữa, vai trò của ASEAN phù hợp với cả 5 trụ cột của chiến lược, bao gồm cả về trật tự dựa trên luật lệ, trật tự trên biển cũng như hợp tác về kinh tế, chuỗi cung ứng…
Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm của khu vực về động lực tăng trưởng kinh tế, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số; sở hữu đường bờ biển dài với những quân cảng chiến lược, lý tưởng cho phòng thủ lẫn tấn công.
>>Ứng xử với chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương
Phương châm đối ngoại của Việt Nam là giữ vững độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá mối quan hệ quốc tế. Chính vì vậy, không có lý do gì chúng ta không thúc đẩy hợp tác với Mỹ, cũng như tất cả đối tác nhằm thúc đẩy nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu… nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.
Đường lối quốc phòng “4 không”- không liên minh quân sự, không liên kết chống lại bên thứ ba,… của Việt Nam sẽ là vạch kẻ dẫn đường hữu ích. Trên cơ sở này, Việt Nam có thể sàng lọc các dự án, lĩnh vực phù hợp với chủ trương.
Ông Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, chiến lược mới Ấn Độ- Thái Bình Dương của Mỹ chắc chắn sẽ mang lại những cơ hội mới cho việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đặc biệt là tranh thủ các hợp tác về chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao và bền vững về kinh tế số, công nghệ cao, kinh tế xanh... Đó là cơ hội mà Việt Nam cần tranh thủ.
“Việt Nam cũng cần tranh thủ cơ hội hợp tác tăng cường năng lực hàng hải, chấp pháp trên biển, an ninh nguồn nước, hay hợp tác theo công thức QUAD + và giữa QUAD với ASEAN, qua đó vừa tranh thủ thêm nguồn lực, vừa góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN”, ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 18/03/2021
11:00, 16/06/2019
14:41, 09/01/2019