Chiến sự Nga- Ukraine “bí” lối thoát
Cả Nga và Ukraine hiện đều không muốn nhượng bộ để hòa đàm, mà vẫn muốn thực hiện ý đồ chiến lược của mình để chiến thắng.
>> Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine cắt đứt các tuyến tiếp tế của Nga ở Kherson
Cơ hội cho Ukraine
Khi Tổng thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022, quân đội Nga được kỳ vọng sẽ nhanh chóng chiếm thủ đô Kiev, lật đổ chính quyền đường thời và khôi phục Ukraine dưới quyền kiểm soát của Moscow. Nhưng 6 tháng trôi qua, chiến sự Nga- Ukraine đã trở thành cuộc giằng co kéo dài, chưa thấy hồi kết.
Ông Andrew E. Kramer, Trưởng Văn phòng Đại diện của The Times tại Kiev, cho biết chiến sự Nga- Ukraine hiện được chia thành 2 khu vực: Khu vực Donbass ở phía Đông, nơi Nga đã chiếm được phần lớn và lực lượng Ukraine đang tìm cách làm chậm bước tiến của Nga; và khu vực phía Nam, nơi Ukraine ấp ủ kế hoạch phản công nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ này.
Con đường ngắn và ít đổ máu nhất để kết thúc chiến sự Nga- Ukraine là thông qua đàm phán. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, hướng đi này đang rơi vào bế tắc. Vào tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Nga quyết tâm “loại bỏ” Ukraine, hàm ý mục tiêu chiến sự của Nga vẫn không thay đổi. Trong khi đó, chính phủ Ukraine giữ vững ý định giành lại lãnh thổ do lực lượng Nga chiếm đóng.
Với số lượng vũ khí tối tân được viện trợ bởi Mỹ và phương Tây, các quan chức Ukraine kỳ vọng quân đội nước này có thể phản công thành công và đẩy Nga ra khỏi khu vực phía Nam, dù mục tiêu này đang đối mặt nhiều thách thức.
Ông Anicée Van Engeland, Giáo sư luật pháp và an ninh quốc tế tại Đại học Cranfield nhận định: “Cuộc chiến ở Kherson có thể giúp Ukraine có cơ hội giành lại các vùng lãnh thổ đang nằm dưới quyền kiểm soát của Nga hoặc các nhóm thân Nga. Hiện quân đội Ukraine đã phá hủy các cây cầu dẫn tới Kherson, khiến thành phố này gần như bị cô lập. Nếu quân đội Nga không mở đường tiếp tế, chi viện cho Kherson, thì thành phố này có nguy cơ bị thất thủ trước Ukraine trong tương lai không xa”.
Thành công của Ukraine ở Kherson đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Putin phải trả một cái giá đắt đỏ về mặt quân sự. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Nga đã đưa 85% quân tình nguyện của mình vào chiến trường và đang chật vật chiêu dụ binh lính mới. Để đạt được mục tiêu lớn hơn Donbass, Nga sẽ cần một cuộc vận động quần chúng, triệu hồi cựu binh và tái thiết quân đội. Tuy nhiên đến nay, ông Putin đã không muốn làm như vậy.
Hành động của Nga
Tuy nhiên, tình thế hoàn toàn có thể bị đảo ngược. Tổng thống Ukraine Zelensky gần đây đã nói với Quốc hội nước này rằng, nếu ông Putin “khóa cửa” chiến tuyến hiện tại ở phía Nam, Ukraine sẽ vật lộn để duy trì lực lượng. Điều đó rất dễ xảy ra nếu cuộc phản công của Ukraine ở Kherson bị thất bại.
Ông Hal Brands, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, cho rằng: “Cuộc phản công ở Kherson thất bại sẽ là thảm họa đối với Ukraine, khiến quân đội nước này sẽ yếu đi, và Mỹ, phương Tây có thể sẽ tính toán lại việc viện trợ vũ khí cho Ukraine, điều này hoàn toàn bất lợi cho Ukraine.”
>> Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine tìm cách “bẻ cong” sức mạnh Nga ở Kherson
Mặc khác, nếu Ukraine phản công thành công ở Kherson, có thể trở thành nạn nhân trong chính chiến thắng của mình. Để trả đũa Ukraine, ông Putin có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp. Tuy nhiên, ông James Stavridis, cựu Đô đốc Mỹ, lại cho rằng ông Putin sẽ không đụng đến vũ khí hạt nhân, vì ông nắm trong tay một công cụ khác, ít rủi ro hơn nhưng đủ để khiến Ukraine và phương Tây khiếp sợ, đó là vũ khí hóa học.
Bên cạnh đó, sự tham gia của Trung Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga, là một biến số có khả năng thay đổi cục diện chiến sự Nga- Ukraine. Trong những ngày đầu chiến sự Nga- Ukraine, các quan chức Mỹ cho biết Nga đã kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ quân sự, nhưng cho đến nay nhận được sự từ chối. Tuy nhiên, chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới hòn đảo Đài Loan có thể thúc đẩy Bắc Kinh thay đổi lập trường đối với chiến sự Nga-Ukraine.
Viện trợ khó kéo dài
Hoa Kỳ đã viện trợ 54 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hơn 9 tỷ USD viện trợ quân sự bổ sung vào đầu tháng 8. Tại thời điểm hiện tại, các quan chức Hoa Kỳ cũng thừa nhận, nguồn cung vũ khí của phương Tây có hạn và không nên mong đợi thêm quá nhiều. Phải chăng đây là lúc đồng minh của Ukraine nên xem xét việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine?
“Viện trợ vũ khí cho Ukraine không phải là việc làm từ thiện”, ông Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine nói và cho biết đây là khoản đầu tư cần thiết cho an ninh lâu dài của Châu Âu. Quân đội Ukraine sẽ chấm dứt cuộc xung đột này - cuộc chiến trên bộ lớn nhất của châu Âu kể từ năm 1945 - với tư cách là một trong những lực lượng quân sự có năng lực nhất của lục địa. Sau khi đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga, quân đội Ukraine sẽ cống hiến hết mình để bảo vệ an ninh và sự ổn định của châu Âu, bảo vệ nền dân chủ khỏi bất kỳ sự xâm lược nào.
Nhưng một số nhà phân tích tin rằng, việc tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến vô thời hạn theo cách này sẽ làm leo thang căng thẳng giữa các cường quốc. Ông Samuel Charap và Jeremy Shapiro lập luận, để tránh nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga, Hoa Kỳ và các đồng minh cần biến việc ngừng bắn thành mục tiêu. Và con đường dẫn đến một lệnh ngừng bắn sẽ đòi hỏi việc mở các kênh liên lạc với Nga.
Trên tờ The National Interest, ông Steven Simon và ông Jonathan Stevenson lập luận rằng các nước phương Tây có thể định hướng cuộc xung đột theo con đường đàm phán thông qua việc điều chỉnh viện trợ quân sự. Việc Kiev từ chối nắm bắt cơ hội đối thoại sẽ dẫn đến khả năng suy giảm lượng vũ khí được chuyển giao cho Ukraine. “Đây là lúc để khuyến khích cả hai bên bắt đầu tìm kiếm các giải pháp chính trị tiềm năng khác trước khi căng thẳng khiến viễn cảnh đàm phán thêm xa vời.”
Có thể bạn quan tâm