“Cuộc chiến" Silicon (Kỳ III): Việt Nam có thể sản xuất chip

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 21/08/2022 05:00

Nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn dồi dào và nền tảng công nghệ vững chắc là 3 mấu chốt quyết định sự thành bại của tham vọng tự chủ công nghệ bán dẫn.

Nhà máy chip Intel tại TPHCM

Nhà máy chip Intel tại TPHCM

>>"Cuộc chiến" Silicon (Kỳ II): Giải mã sức mạnh Trung Quốc

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 16/8, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) mong muốn được tham gia nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đề xuất của Viettel phù hợp với bối cảnh hiện nay khi khủng hoảng chip toàn cầu ảnh hưởng trầm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế. 

Việc tự chủ sản xuất chip còn góp phần giữ gìn chủ quyền, an ninh quốc gia trong tình hình mới. Với yêu cầu bảo mật thông tin, dữ liệu khi Chính phủ số, xã hội số liên thông kết nối toàn cầu, chip sẽ trở thành “vũ khí” chiến lược.

Tháng 3/2007, tập đoàn Intel (Mỹ) đã đầu tư 1 tỷ USD vào khu công nghệ cao Quận 9 - TP.HCM. Nhiều dòng chip ra đời từ đây và xuất khẩu khắp thế giới, ví như CPU Haswel Core i5, SoC BayTrail-T dùng cho tablet chạy Windows và Android, chip Atom, Edison,…

Mới đây, Tổng giám đốc Samsung Roh Tae-Moon đã đến Việt Nam, bàn về khoản đầu tư thêm 3,3 tỷ USD trong năm nay, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất thương mại từ tháng 7/2023 tại Thái Nguyên.

Như vậy, hai trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã có mặt tại nước ta, đưa Việt Nam vào top những quốc gia xuất khẩu thiết bị thông minh lớn tại khu vực. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngành bán dẫn Việt Nam có thể lên tiếng.

Samsung dự định đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam cho công nghệ chip

Samsung dự định đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam để đẩy mạnh phát triển công nghệ bán dẫn

Năm 2008, Intel mở đợt tuyển dụng kỹ sư người Việt làm việc tại nhà máy mới xây dựng ở TPHCM, 2.000 bộ hồ sơ có lý lịch học tập “khủng” từ phổ thông qua hết đại học, nhưng chỉ 40 người được chọn. Nhưng không phải được giao việc ngay.

Số lao động mới này có 3 tháng học thêm kỹ năng mềm, bổ trợ kiến thức, thuật ngữ cơ bản, làm quen văn hóa công ty. Sau đó, họ được sang Malaysia học thực tế từ 9 tháng đến 1 năm mới ra “lò”. Đạt đủ điều kiện trên mới được gọi là “kỹ sư Intel”.

Câu chuyện ở đây là nhân sự chất lượng cao, có thể “tiệm cận trình độ thế giới”, thậm chí vượt qua trình độ chung mới có thể tiến sâu vào nghiên cứu, phát triển chip.

Phải thẳng thắn thừa nhận, hệ thống Viện nghiên cứu, đại học, học viện tại Việt Nam chưa thể “nhào nặn” ra con người có thể tự tổ chức phòng Lab, phát hiện đề tài nghiên cứu và cho kết quả có thể ứng dụng. Thậm chí, nếu có con người tiềm năng, cũng chưa có “đất” dụng võ!

Trong số những kỹ sư Việt Nam hiện làm việc cho Google, phần lớn là du học sinh ở lại. Nếu tốt nghiệp đại học trong nước, thì cũng học Thạc sỹ, Tiến sỹ ở Mỹ, Úc, châu Âu trước khi được các “ông lớn” công nghệ chiêu mộ. Ví dụ, Nguyễn Quang Dũng người Việt đầu tiên thuộc nhóm tinh hoa tại Google tốt nghiệp Học viện Công nghệ Georgia tại Mỹ.

9 công đoạn trong chuỗi giá trị điện tử

9 công đoạn trong chuỗi giá trị điện tử

Việt Nam không thiếu con người chất lượng, nhưng không có chỗ làm việc xứng tầm để phát huy hết công năng, trong khi Google, Facebook, Intel, Youtobe, Adobe, NASA sẵn sàng đài thọ mức lương cao- chỉ áp dụng một tiêu chí duy nhất “làm được việc”.

Đầu tư ban đầu cho công nghiệp bán dẫn quan trọng không kém, vì đây là ngành rủi ro cao, quay vòng vốn chậm, có thể trắng tay sau khi ném hết tiền qua cửa sổ. Vì vậy, nhất thiết phải có chiến lược dài hơi, có các quỹ đầu tư (rủi ro) công nghệ như cách làm của Trung Quốc, Mỹ.

Cuối cùng là chọn lựa xuất phát điểm. Trong 9 công đoạn cho ra đời 1 con chip, không nước nào có thể đảm đương hết. R&D (nghiên cứu và phát triển) hay ATP (lắp ráp, kiểm định, đóng gói?). "Liệu cơm gắp mắm" thông thường là bí quyết thành công.

Có thể bạn quan tâm

  • "Cuộc chiến" Silicon (Kỳ I): Truy vết những “ông trùm”

    05:00, 19/08/2022

  • “Cuộc chiến

    “Cuộc chiến" Silicon (Kỳ II): Giải mã sức mạnh Trung Quốc

    05:00, 20/08/2022

  • “Cuộc chiến” ngành chip (Kỳ I): Bước đi táo bạo của Mỹ

    “Cuộc chiến” ngành chip (Kỳ I): Bước đi táo bạo của Mỹ

    12:00, 18/08/2022

  • “Cuộc chiến” ngành chipp/Kỳ II: Cơ hội trong cấu trúc mới

    “Cuộc chiến” ngành chip Kỳ II: Cơ hội trong cấu trúc mới

    20:01, 18/08/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ