G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga
G7 hạ quyết tâm áp giá trần đối với dầu thô Nga. Tuy nhiên, có vô số kịch bản xảy ra như hệ quả tất yếu mà khối này khó quán xuyến.
>>Kinh tế Nga, dầu thô, cấm vận và nguy cơ vỡ nợ
Ngày 2/9, nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) đã tiến thêm một nấc trong nhiệm vụ áp giá trần dầu thô Nga. Nếu không có trở ngại lớn, trong vài tuần tới G7 sẽ chính thức công bố “Nga được phép bán bao nhiêu USD/ thùng dầu”.
Áp giá trần đối với dầu thô Nga là biện pháp được xem là “bít những lỗ hổng cuối cùng” trong 6 gói cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) và G7 tung ra nhằm ép Moscow xuống thang chiến sự Nga- Ukraine. Dù đạt được đồng thuận cao nhưng cơ chế này rất khó hoạt động.
Ông Laurent Ruseckas, Giám đốc điều hành S&P Global Global Commodity Insights, đặt ra vấn đề: “Nếu mức giá trần được áp dụng, ai có quyền được mua dầu giá rẻ và ai phải mua dầu với giá thị trường?”. Một bài toán rất khó giải!
Dòng dầu sẽ chảy mạnh vào “thị trường xám”, nghĩa là mua giá trần bán lại giá thị trường, khoản chênh lệch khổng lồ nếu căn cứ vào sản lượng xuất cảng hàng chục triệu thùng mỗi ngày.
Chuyên gia Brenda Shaffer từ Hội đồng Đại Tây Dương bình luận về thị trường “3 mặt”: “Người mua sẽ lựa chọn giữa giá chuẩn toàn cầu bình thường, giá dầu thô Nga được áp trần và giá “thị trường xám” đối với các thùng dầu Nga được giao dịch ngầm, sử dụng những biện pháp che giấu nguồn gốc xuất xứ”.
Bất chấp Mỹ và EU giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán dầu mỏ, thị trường giao dịch bí mật thông qua hợp đồng dấu kín đã nở rộ trong thời gian vài tháng qua. Điều này được thể hiện qua con số thu về do cơ quan thống kê Nga công bố, hơn 150 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022.
Nói cách khác, cơ chế này không thể hoạt động hiệu quả nếu không đạt được sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu. Không nơi nào không cần nguồn năng lượng này, chúng có thể được tiêu thụ ở bất cứ đâu.
Vô tình, EU tự vô hiệu hóa nỗ lực của mình, bởi vì khi mua dầu Nga với mức giá trần nào đó cũng đồng nghĩa ngầm thừa nhận “nó là hợp pháp”. Thậm chí, điều này khiến cho dầu thô Nga trở nên hấp dẫn hơn do giá rẻ.
Trung Quốc và Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu dầu Nga nhiều hơn bất cứ nước nào, họ đang hưởng lợi nhờ giá đã được chiết khấu cao đến vài chục phần trăm. Không dễ thuyết phục Bắc Kinh và New Delhi phá tan bầu không khí ngoại giao rất có lợi với Kremlin ở thời điểm này.
Trong số 35 quốc gia không đồng tình cấm vận Nga, rất nhiều trong số này đến từ Trung Đông. Về lý thuyết, khó kêu gọi các nước này thay đổi quan điểm. Mặt khác, đó đều là những nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới.
Dầu Nga bị áp trần giá sẽ tạo ra kịch bản cạnh tranh không lành mạnh với dầu Trung Đông. Để bán được hàng, OPEC cần hạ giá, rõ ràng khoản thiệt hại như họa vô đơn chí.
Tất nhiên, Tổng thống Putin không khoanh tay ngồi nhìn. Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và liên minh tiền tệ siêu quốc gia Nga - Trung Quốc - Ấn Độ đang tăng tốc hình thành “đồng tiền chung” thông qua cơ chế thanh toán riêng. Đây được xem là “con đường tránh” giá trần dầu thô.
Moscow nhanh chóng đáp trả, ngưng bán dầu cho tất cả các quốc gia tham gia nhóm áp giá trần và không quên cảnh báo tương lai bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Dầu mỏ - "vũ khí" gây sát thương mạnh của Nga
04:00, 12/08/2022
Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga
04:30, 28/06/2022
Mỹ chật vật tìm cách chặn nguồn doanh thu dầu mỏ của Nga
04:30, 22/06/2022
Châu Âu nếm "trái đắng" khi cấm vận dầu mỏ của Nga
04:30, 17/06/2022
“Cú sốc” cấm vận dầu mỏ Nga
12:06, 05/06/2022
Nga "né" lệnh trừng phạt dầu mỏ của EU như thế nào?
04:30, 03/06/2022
EU cấm vận dầu mỏ, Nga sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine?
15:26, 31/05/2022