Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung qua Nhật Bản?

CẨM ANH 05/10/2022 04:00

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong những ngày qua đang gây quan ngại cho nhiều quốc gia, đặc biệt Mỹ cho rằng động thái của Bình Nhưỡng là nguy hiểm và liều lĩnh.

>>Mỹ- Hàn sắp tập trận, bán đảo Triều Tiên "nóng" trở lại

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản. Nguồn:

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản. Nguồn:KCNA/Reuters

Vào khoảng 7h44 phút sáng 4/10 (giờ Nhật Bản), Triều Tiên đã phóng 1 tên lửa đạn đạo bay qua vùng trời Nhật Bản và rơi xuống ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Được biết, đây là vụ phóng tên lửa đáng chú ý nhất của Triều Tiên kể từ tháng 1/2022, khi nước này khai hỏa tên lửa tầm trung Hwasong-12 có khả năng vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ, và cũng là lần đầu tiên một tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản kể từ năm 2017.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định tên lửa bay cao 1.000 km và bay xa 4.600 km, trước khi rơi xuống vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Theo các chuyên gia nhận định với CNN, dựa theo chi tiết chuyến bay này cho thấy tên lửa được bắn ra có khả năng là Hwasong-12 - một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Triều Tiên.

"Đây là tên lửa mà Triều Tiên đã bắt đầu thử nghiệm vào năm 2017… Vì vậy, nó thực sự không phải là một loại tên lửa mới được chế tạo gần đây”, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại CNS nhận định và cho biết thêm, Triều Tiên có một loạt tên lửa có tầm bắn ngắn hơn và sẽ không vượt qua Nhật Bản nhưng họ có một số lượng nhỏ tên lửa có thể thực hiện hành trình này. Điều đó cho thấy hành động của Triều Tiên đang dần trở nên khiêu khích hơn về mặt chính trị. 

Nhận định về vấn đề trên, ông Robert Ward, thành viên cấp cao về Nghiên cứu An ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế chỉ ra, trước mắt, động thái từ phía Bình Nhưỡng cho thấy những mối nguy hiểm về mặt an ninh mà Nhật Bản phải đối mặt bên cạnh một nước Nga ở phía Bắc và Trung Quốc ở phía Nam.

“Triều Tiên có thể đang cố gắng khai thác tình hình bất ổn trên thế giới để gửi đi thông điệp rằng phát triển vũ khí hạt nhân là quyền của họ và thế giới cần chấp nhận điều này", ông Robert Ward đánh giá.

>>Nga- Triều Tiên thắt chặt quan hệ, Mỹ có thêm nỗi lo!

Đường bay ước tính của tên lửa Triều Tiên trong vụ thử ngày 4/10. Đồ họa: AFP.

Đường bay ước tính của tên lửa Triều Tiên trong vụ thử ngày 4/10. Đồ họa: AFP.

Đồng quan điểm, ông Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở ở Mỹ cho rằng, việc phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản cho phép các kỹ sư Triều Tiên nghiên cứu tính năng của tên lửa sát với điều kiện thực tế hơn.

"So với góc phóng cao thường thấy, đường bay lần này cho phép phương tiện hồi quyển tiếp xúc với nhiệt độ và áp lực khí quyển giống với điều kiện sử dụng thực tế hơn", ông Ankit Panda nhận xét.

Cũng có ý kiến cho rằng, Triều Tiên thường tạm dừng thử nghiệm vào mùa hè khi thời tiết xấu, và khi mùa thu và đầu mùa đông đến, họ bắt đầu thử nghiệm vũ khí và thu được kết quả tốt hơn.

Những loại tên lửa này dành cho các mục tiêu tầm xa, vì vậy việc phóng tên lửa qua Nhật Bản có thể giúp Triều Tiên đánh giá độ chính xác ở một khoảng cách xa hơn, khả năng chịu được các lực khác nhau tác động lên tên lửa và các yếu tố khác so với các cuộc thử nghiệm thông thường mà quốc gia này thực hiện.

Mặc dù vậy, giới quan sát cảnh báo, vào đầu năm nay nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ phát triển hơn nữa các loại vũ khí tấn công. Do đó, vụ phóng tên lửa lần này là một phần của sự thúc đẩy tiến bộ vũ khí đó.

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo cho đến khi hoàn tất quá trình hiện đại hóa hiện tại. Chính vì vậy, một vụ thử hạt nhân có thể xảy ra “bất cứ lúc nào”.

Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã cảnh báo từ tháng 5 rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân, với hình ảnh vệ tinh cho thấy có dấu hiệu hoạt động tại bãi thử hạt nhân dưới lòng đất của nước này. Nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử, đây sẽ là vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thứ bảy của nước này và là vụ đầu tiên trong gần 5 năm qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ- Hàn sắp tập trận, bán đảo Triều Tiên

    Mỹ- Hàn sắp tập trận, bán đảo Triều Tiên "nóng" trở lại

    04:30, 18/08/2022

  • Nga- Triều Tiên thắt chặt quan hệ, Mỹ có thêm nỗi lo!

    Nga- Triều Tiên thắt chặt quan hệ, Mỹ có thêm nỗi lo!

    04:17, 16/08/2022

  • Triều Tiên đang làm gì?

    Triều Tiên đang làm gì?

    10:27, 13/06/2022

  • Triều Tiên loay hoay đối phó COVID-19

    Triều Tiên loay hoay đối phó COVID-19

    15:00, 16/05/2022

CẨM ANH