Châu Âu chật vật đối phó khủng hoảng năng lượng
Các cuộc biểu tình đang bùng nổ tại nhiều quốc gia Châu Âu cho thấy sức ép mà các nước châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
>>"Nóng" cuộc chạy đua khí đốt toàn cầu
Theo nguồn tin từ AFP, hàng nghìn người dân Pháp đã tuần hành khắp trung tâm thủ đô Paris để chỉ trích NATO và EU, cũng như yêu cầu chính quyền thay đổi quan điểm với hai tổ chức trên. Cuộc biểu tình do đảng cánh hữu Les Patriotes (Những người yêu nước) của cựu Đại biểu nghị viện châu Âu Florian Philippot tổ chức.
Tình trạng bất ổn tại Pháp bùng phát khi nước này đang ngày càng phải chật vật đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, mà nguyên nhân chính là do các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Tương tự, những cuộc biểu tình phản đối gần đây cũng xảy ra ở Cộng hòa Czech. Các cuộc thăm dò dư luận ở Italy cho thấy ngày càng nhiều nước EU đối mặt với sức ép từ công chúng liên quan đến các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.
Cuộc biểu tình tại Pháp, Czech và Italy đang cho thấy sức ép mà các chính phủ châu Âu đang phải đối mặt trong bối cảnh mùa đông đến gần và nguồn cung năng lượng hạn chế khi Nga cắt giảm khí đốt đến các nước trong khu vực.
>>Châu Âu đối mặt với mùa đông thiếu khí đốt
Hiện nay, người dân EU đang chật vật trước giá năng lượng tăng mạnh, theo đó, người tiêu dùng Tây Ban Nha đã phải trả tiền mua khí tự nhiên nhiều hơn tới 140% trong khi giá điện của Pháp và Đức tăng hơn 10 lần so với cuối tháng 8/2021. Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Pháp CRE cảnh báo rằng các gia đình có thể đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa Đông này nếu giá rét nghiêm trọng hơn.
Để giảm bớt sức ép về giá khí đốt, một số nước như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha.. đã cùng ký vào thư kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra một mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên áp dụng cho toàn bộ khối tại cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 30/9 vừa qua. Nhưng cho đến nay, các quốc gia như Đức, Hungary vẫn còn nhiều băn khoăn và nghi ngại về đề xuất này.
Mặc dù các nước EU đã đề xuất nhiều mức giá trần khí đốt khác nhau cho toàn khu vực EU nhưng tất cả các đề xuất đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Cụ thể, nếu đặt giá trần đối với khí đốt nhập khẩu của Nga sẽ dẫn đến việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung của Moscow.
Trong ngắn hạn, EC sẽ vẫn kiên định với mục tiêu tiết kiệm điện và đánh thuế thu nhập đối với các công ty dầu khí, năng lượng để có nguồn thu trợ giá trở lại cho người tiêu dùng cũng như các công ty điện. Tuy nhiên, biện pháp này không phải là câu trả lời toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Nếu tình trạng thiếu khí đốt và chi phí năng lượng đắt đỏ kéo dài, có thể làm mất khả năng cạnh tranh, thậm chí dẫn đến việc đóng cửa một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nhất ở Châu Ấu.
"Các biện pháp can thiệp có thể sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách lên tới 2.000 tỷ euro hàng năm và gánh nặng nợ công của EU là 100% GDP", chuyên gia nghiên cứu Yelena Kuznetsova nhận định và cho biết, với việc phụ thuộc vào Nga để cung ứng khoảng 40% khí đốt, EU sẽ đối mặt với những thách thức thực sự vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm 2023 khi kho dự trữ cần được bổ sung sau khi nhu cầu tăng cao trong mùa đông.
Có thể bạn quan tâm