Bất ổn kinh tế toàn cầu (Kỳ I): Những biến cố bất ngờ

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập 20/10/2022 11:14

Vừa thoát khỏi đại dịch không lâu, nền kinh tế toàn cầu năm 2022 lại phải hứng chịu những biến cố lớn bất ngờ trong lịch sử.

Đó là chiến sự Nga- Ukraine, đại dịch bệnh bùng phát trở lại và chiến lược cực đoan Zero-covid của Trung Quốc… Tất cả những biến cố này khiến sự khan hiếm nguồn cung đang khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch trong hai năm trước trở nên nghiêm trọng hơn.

p/Biểu đồ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2021-2023 theo báo cáo của WB được đưa ra hồi đầu năm nay. Nguồn: World Bank.

Biểu đồ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2021-2023 theo báo cáo của WB được đưa ra hồi đầu năm nay. Nguồn: World Bank.

>> Kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái

Cuộc chiến chống lạm phát

Trong quý I/2022, nền kinh tế thế giới vẫn trong quá trình phục hồi tốt cho tới khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022. Hậu quả là thế giới phải đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung lương thực vì Nga và Ukraine chiếm tới 30% sản lượng lương thực thế giới. Thêm vào đó, các lệnh cấm vận dầu và khí gas của Nga đã khiến giá cả lương thực và nhiên liệu trên thế giới tăng lên nhanh chóng. Tình trạng lạm phát nhanh chóng tăng nhanh trên toàn cầu.

Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 trở lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc và chính sách Zero-covid cực đoan ở nước này khiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài thêm, góp phần khiến lạm phát tăng cao vì sự khan hiếm nguồn cung.

Nhưng quan trọng nhất phải kể đến sự thay đổi lớn trong chính sách lãi suất của FED phản ứng lại tình trạng lạm phát có nguy cơ gây bất ổn lớn đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Trong cuộc họp tháng 9, FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất cho tới khi đủ mạnh để kiềm chế lạm phát. Sau 4 đợt tăng lãi suất từ mức 0,25%/năm hồi tháng 1/2022, đến nay lãi suất của FED đã tăng thêm 3%.

Các chuyên gia dự báo FED có thể tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay, khiến lãi suất vượt mức 4%/năm và có thể sẽ tăng tới 4,6% vào cuối năm 2023 với quyết tâm kiểm soát bằng được lạm phát.

Dù đã giảm từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6 xuống 8,5% trong tháng 7 và còn 8,2% trong tháng 9, nhưng mức CPI này của Mỹ vẫn bị FED xem là rất cao trong lịch sử, cần phải mạnh tay giảm hơn nữa để lấy lại cân bằng. Lạm phát hiện nay ở Mỹ chỉ thua kém mức đỉnh thứ hai trong lịch sử 15% vào năm 1980 do cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1979 vì cuộc chiến Iran và Iraq, và mức đỉnh lớn nhất là 20% ngay sau Thế chiến thứ II.

Trong báo cáo mới công bố, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ giảm từ mức 6% năm 2021 xuống còn khoảng 3,2% trong năm 2022. 

Quan trọng, ngay trước cuộc họp nói trên của FED, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh tổng động viên một phần nhằm tăng quân cho cuộc chiến ở Ukraine, gây lo ngại cuộc chiến Ukraine thêm khốc liệt và kéo dài. Điều này khiến rủi ro tăng giá trên toàn cầu tăng trở lại. Do vậy, FED sẽ càng quyết tâm hơn.

Tuy nhiên, động thái này của FED gây biến động lớn trên thị trường toàn cầu. Hầu hết các đồng tiền mất giá so với USD, tình trạng nhập khẩu lạm phát ở các nền kinh tế trở nên nghiêm trọng. Điều này khiến các NHTW các nước đều phải nâng lãi suất để ổn định tỷ giá và vĩ mô, dù phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng trong lúc còn chưa kịp phục hồi sau đại dịch.

>> Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ

Trong khi FED và các ngân hàng trung ương căng sức để kiểm soát lạm phát thì OPEC+ lại quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, tương đương 2% cung dầu lửa toàn cầu kể từ 1/11/2022, với lý do lãi suất tăng và đồng USD lên giá khiến giá dầu giảm, làm cho thu nhập của họ bị giảm.

Động thái nói trên của OPEC+ được xem là hành động ủng hộ Nga và làm tổn hại nhũng nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc ổn định thị trường dầu thế giới để từ đó giảm lạm phát cao ở Mỹ và trên toàn cầu. Quyết định của OPEC+ có thể làm tiêu tan những nỗ lực giảm lạm phát và lấy lại hy vọng ổn định tăng trưởng trên toàn cầu. Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết các nước nghèo và đang phát triển sẽ gặp khó khăn hơn vì quyết định này của OPEC+.

Sụt giảm tăng trưởng

Kinh tế thế giới trong năm 2022 chịu nhiều biến cố tiêu cực cả về đại dịch, thiên tai, địa chính trị, và kinh tế. Trong nửa đầu năm 2022, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt nhờ phục hồi khá thuận lợi sau đại dịch, nhưng nửa sau xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi nên tăng trưởng sụt giảm.

chính sách Zero-covid cực đoan ở nước này khiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài thêm

Chính sách Zero-Covid cực đoan của Trung Quốc khiến sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài thêm

Trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ có Trung Quốc là đáng lo ngại nhất. IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 chỉ là 1,1%.

Trong khi nền kinh tế Mỹ tỏ ra vững chắc và triển vọng tốt về dài hạn. IMF dự báo tăng tưởng GDP cả năm 2022 của Mỹ là 1,6% dù kinh tế nước này đã tăng trưởng âm 1,6% trong quý 1/2022 và âm 0,9% trong quý 2/2022.

Nhật Bản, đặc biệt là EU, vẫn có sức chống chịu tốt dù khó khăn là rất lớn. Trong đó, nền kinh tế Nhật Bản được dự báo tăng trưởng cả năm 2022 có thể lên tới 1,7%.

Do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trong triển vọng bi quan cùng với những rủi ro từ chiến sự Nga- Ukraine và chính sách tăng lãi suất của FED, đã xuất hiện quan ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Trước thực trạng trên, các tổ chức quốc tế liên tục phải chỉnh sửa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Trong đó, báo cáo mới nhất của IMF cho biết tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm từ 6% trong năm 2021 xuống còn 3,2% trong năm 2022.

Kỳ II: Nguy cơ suy thoái kinh tế

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam sẽ đi ngược “vòng xoáy” kinh tế thế giới

    Việt Nam sẽ đi ngược “vòng xoáy” kinh tế thế giới

    23:08, 12/09/2022

  • Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ III): Cuộc chiến trong các định chế tài chính

    Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ III): Cuộc chiến trong các định chế tài chính

    03:00, 16/07/2022

  • Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ II): Cục diện hậu chiến sự Nga - Ukraine

    Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ II): Cục diện hậu chiến sự Nga - Ukraine

    12:00, 10/07/2022

  • Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ I): Vòng xoáy xung đột và phân rã

    Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ I): Vòng xoáy xung đột và phân rã

    12:00, 07/07/2022

  • “Cơn gió ngược” nào cản kinh tế thế giới?

    “Cơn gió ngược” nào cản kinh tế thế giới?

    02:00, 27/06/2022

  • "Bóng ma" lạm phát đình đốn đe dọa kinh tế thế giới

    04:30, 20/06/2022

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập