Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ

NGỌC ANH 22/10/2022 04:30

Trong bối cảnh đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ, Trung Quốc buộc phải tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nước trên GDP để tài trợ cho đầu tư.

Tập đoàn China Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã vay hơn 300 tỷ USD và đã vỡ nợ trái phiếu.

Tập đoàn China Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã vay hơn 300 tỷ USD và đã vỡ nợ trái phiếu.

>> Bất ổn kinh tế Trung Quốc (Kỳ I): Đến lúc thay đổi mô hình tăng trưởng?

Đến cuối những năm 1990, tỷ lệ tiết kiệm/GDP của Trung Quốc đạt 50%, mức cao nhất chưa từng được ghi nhận ở bất kỳ quốc gia nào. Hệ thống ngân hàng đã huy động và cung cấp những khoản tiết kiệm khổng lồ cho các doanh nghiệp, nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương của Trung Quốc với lãi suất thấp. Kết quả là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhanh chóng được thúc đẩy bởi mức đầu tư cao. 

Thông thường, khi một nền kinh tế chuyển một lượng lớn nợ vào đầu tư sản xuất, thì sự tăng trưởng GDP của nền kinh tế đó có khả năng cao hơn sự gia tăng nợ của quốc gia đó. Nhưng khi nợ được sử dụng để tài trợ cho đầu tư có lợi ích kinh tế nhỏ hơn, thì nợ bắt đầu tăng nhanh hơn GDP. Gánh nặng nợ của Trung Quốc bắt đầu tăng vào khoảng năm 2006-2008.

Kể từ thời điểm đó, tỷ lệ nợ chính thức của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 150% GDP lên gần 280% GDP - một trong những mức tăng nhanh nhất trên toàn cầu. Các nguồn chính của gánh nặng nợ của Trung Quốc là đầu tư tư nhân vào lĩnh vực bất động sản, và đầu tư của chính quyền địa phương vào cơ sở hạ tầng dư thừa, chẳng hạn như hệ thống đường sắt, đường bộ và đường cao tốc không được sử dụng…

Trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền địa phương Trung Quốc dựa vào việc vay mượn ngoài bảng quyết toán thông qua công cụ tài chính chính quyền địa phương (LGFV) để huy động vốn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Những khoản nợ này thường bị che đậy. Chính quyền trung ương đang nỗ lực buộc chính quyền địa phương chuyển các LGFV sang trái phiếu địa phương để có được sự minh bạch hơn.

>> Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ VII): Bất ổn kinh tế Trung Quốc

GS. Minxin Pei tại Trường Claremont McKenna College, cho biết các chính quyền địa phương nợ nần chồng chất của Trung Quốc cũng đang đối mặt với những viễn cảnh khó khăn. Nguồn thu từ bán đất giảm do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và thu thuế giảm dự kiến sẽ khiến nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương giảm 6 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 900 tỷ USD trong năm nay. Điều này gây khó khăn cho việc trả nợ của họ.

Lượng trái phiếu phát hành ròng hàng tháng của các nhà phát triển bất động sản niêm yết ở Trung Quốc trừ đi nợ đến hạn

Lượng trái phiếu phát hành ròng hàng tháng của các nhà phát triển bất động sản niêm yết ở Trung Quốc trừ đi nợ đến hạn. ĐVT: Tỷ CNY

Dấu hiệu cảnh báo đáng ngại nhất đối với Trung Quốc rõ ràng là lĩnh vực bất động sản nợ nần chồng chất của Trung Quốc. Điển hình như Tập đoàn China Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã vay hơn 300 tỷ USD và đã vỡ nợ trái phiếu. Nhiều chuyên gia cảnh báo nhiều khả năng sẽ xảy ra thêm các đợt vỡ nợ trái phiếu khác ở Trung Quốc trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo GS. Minxin Pei, các ngân hàng lớn ở Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn. Họ đã cho các nước nghèo vay hàng chục tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc. Một phần đáng kể trong danh mục tín dụng của họ có khả năng trở nên kém hiệu quả do những người đi vay của họ không thể trả nợ do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong khi cả lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng đã đóng góp rất nhiều vào hoạt động kinh tế của Trung Quốc và trở nên quan trọng về mặt chính trị, thì các nhà hoạch định chính sách kinh tế ngày càng lo ngại rằng cách duy nhất để họ có thể giành lại quyền kiểm soát nợ là hạn chế đầu tư không hiệu quả vào hai lĩnh vực này. Nhưng các lĩnh vực này đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm gần đây, nên hầu như không thể hạn chế các lĩnh vực này mà không gây ra sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh tế. Đây là thế khó của Trung Quốc, nhưng quốc gia này buộc phải xử lý. Nếu không, nguy cơ khủng hoảng nợ sẽ lớn dần.

Có thể bạn quan tâm

  • Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ

    Sáng kiến Vành đai và Con đường (Kỳ II): Nguy cơ khủng hoảng nợ

    01:00, 13/08/2022

  • Trung Quốc đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ?

    Trung Quốc đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ?

    05:30, 08/08/2020

  • Cơn

    Cơn "ác mộng" kéo dài của Evergrande

    03:07, 08/01/2022

  • Evergrande “vỡ nợ” và bài học cho Việt Nam

    Evergrande “vỡ nợ” và bài học cho Việt Nam

    03:00, 12/12/2021

  • China Evergrande chính thức vỡ nợ, giới đầu tư

    China Evergrande chính thức vỡ nợ, giới đầu tư "mỏi mòn" chờ giải cứu

    13:40, 10/12/2021

NGỌC ANH