Quan hệ Việt - Trung: Đại đồng vì đại cục

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 31/10/2022 11:08

Việt Nam và Trung Quốc cùng hội tụ lợi ích to lớn trong bối cảnh mới. Do đó, các chuyên gia cho rằng hai nước cần có hữu hảo, tin cậy dựa trên tư tưởng "đại đồng" để cùng nhau tồn tại và phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đang có chuyến thăm đến Trung Quốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đang có chuyến thăm đến Trung Quốc. Ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải). 

>>Trung Quốc và chiến lược mới sau Đại hội 20

Người Trung Quốc là chủ thuyết của “đại đồng”. Theo đó, đạo lớn được thi hành, nói điều tín nghĩa hòa mục. Cả thiên hạ bình an. Sức mạnh không cần mang ra khoe mà cũng chẳng vì mình - ấy là Khổng Tử nói về đại đồng.

Lý tưởng Marx - Lenin vốn rất ưu việt, chủ trương giải phóng tuyệt đối con người, hướng đến bình đẳng, công bằng, nhân văn; hòa bình cho thế giới, hữu hảo giữa các dân tộc.

Người Trung Quốc vốn trọng chữ tín để được thừa nhận là bậc quân tử, tứ mã nan truy. Họ có đầy đủ căn tính để pha trộn với lý thuyết Marx, hình thành một Trung Quốc hiện đại, siêu cường không tham vọng bá chủ, bành trướng; không gây quan ngại cho láng giếng, khu vực và thế giới.

Năm ngoái, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết: “Bất luận phát triển tới trình độ nào, Trung Quốc mãi mãi không xưng bá, không bành trướng, không mưu cầu phạm vi ảnh hưởng, không tham gia chạy đua vũ trang”.

Tuyên bố của ông Tập đúng với tinh thần tinh hoa của người Hán tinh hoa. Chúng ta hãy tin vào điều đó. Bởi vì tâm thế của Việt Nam cũng mưu cầu “hạnh phúc, bình đẳng, bác ái” , ngoại giao hữu hảo, thêm bạn bớt thù, không liên kết chống lại bên thứ ba,… ấy cũng là đại đồng.

Há chẳng phải hai Đảng, hai dân tộc, hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc có cùng chung chí hướng? Đúng như vậy. Thế nên nhìn vào mặt trái của vấn đề, chỉ có đại đồng mới có thể thu xếp ổn thỏa nhất những vấn đề đang tồn tại.

Đơn cử, những mâu thuẫn trên Biển Đông về chủ quyền lãnh thổ, các bên hoàn toàn đủ khả để giải quyết theo tinh thần của luật pháp quốc tế. Là “anh em” thì người Nho giáo gói gọn trong “Tam cương ngũ thường” - những quan hệ rường cột tạo tác nên xã hội.

Nếu quan hệ quốc gia rút gọn trong danh nghĩa quan hệ gia đình, hãy lấy sự tôn trọng, hòa mục, nhường nhịn làm trên hết. Anh em xích mích, mất đoàn kết thì gia đình tan vỡ, nước với nước bạo lực thì dân tình lầm than khổ ải. Ấy là mục tiêu của đại đồng thu hẹp.

>> Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Bền vững khi tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau

Người cộng sản học phương pháp làm việc biện chứng duy vật của Marx thì càng không thể xem nhẹ các mối liên hệ phổ biến tồn tại vô hình và hữu hình xung quanh. Tất cả các quốc gia hiện có mặt trên trái đất đều là tiền đề và lý do tồn tại của nhau.

Ví như, Trung Quốc có vị thế riêng, Việt Nam cũng có vị thế riêng, Phương Đông có cái hay của mình, Phương Tây có giá trị đơn nhất của họ. Tất cả không thể là một. Vậy nên đại cục chỉ có thể yên ổn và phát triển khi và chỉ khi các quốc gia biết tôn trọng chủ quyền, tính cách, đường lối của nhau.

Ông Lưu Kiến Siêu (bên phải), trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay quốc tế Bắc Kinh trưa 30-10 (giờ địa phương) - Ảnh: TTXVN

Ông Lưu Kiến Siêu (bên phải), Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay quốc tế Bắc Kinh trưa 30-10 (giờ địa phương) - Ảnh: TTXVN

Việt - Trung mãi mãi là láng giềng, điều đó như biện chứng của tự nhiên. Phần lịch sử đau xót đã nếm trải, bài học xương máu hẳn bên nào cũng khắc cốt ghi tâm.

Đại đồng, hạn chế xung đột, thu xếp mâu thuẫn, quản lý căng thẳng một cách thông minh, nhanh nhạy là điều kiện cần để Việt Nam và Trung Quốc cùng tiến lên. Bất luận thế nào, điều đó là không thể khác được.

Thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có bước phát triển đáng kể, đạt 147,7 tỷ USD sau 10 tháng. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, chỉ sau Mỹ với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 47 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 100,7 tỷ USD, nhập siêu 10 tháng từ Trung Quốc là 53,7 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới... 

Có thể bạn quan tâm

  • Quan hệ Việt - Trung: Hợp tác, đầu tư thành điểm sáng phát triển

    Quan hệ Việt - Trung: Hợp tác, đầu tư thành điểm sáng phát triển

    09:43, 08/07/2019

  • Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 160 tỷ USD

    Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 160 tỷ USD

    19:05, 15/01/2020

  • Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp Việt - Trung trong bối cảnh mới

    Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp Việt - Trung trong bối cảnh mới

    17:24, 26/08/2019

  • Thanh niên Việt - Trung thảo luận về hướng nghiệp và khởi nghiệp

    Thanh niên Việt - Trung thảo luận về hướng nghiệp và khởi nghiệp

    06:35, 25/06/2019

TRƯƠNG KHẮC TRÀ