Quan hệ Việt - Trung sang trang mới

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 05/11/2022 03:00

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc được kỳ vọng sẽ góp phần đưa quan hệ Việt Nam- Trung Quốc bước sang giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị thượng khách đầu tiên thăm Trung Quốc ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ 20 của nước này bế mạc.

 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà trao đổi về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Ảnh: Trí Dũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà trao đổi về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Ảnh: Trí Dũng

>> Việt Nam và Trung Quốc ra tuyên bố chung

“Khối rubic” đa diện

Có thể dùng hình ảnh khối rubic lập phương để mô tả một cách toàn vẹn mối quan hệ Việt-Trung. Bởi, đây là cặp song phương hình thành trên tất cả mọi mặt.

Xét về địa lý, Việt- Trung còn hơn cả “láng giềng gần”, có thể nói “tình như thủ túc”. Hai dân tộc cùng nhau trường tồn qua nhiều nghìn năm lịch sử, cùng chung vận mệnh, cùng con đường ngọt bùi lẫn đắng cay, cùng chung chí hướng kiến thiết cơ đồ quốc thái dân an- như một đặc điểm cơ bản của những người cộng sản chân chính.

Xét trên phương diện chính trị, cả đảng Cộng sản Việt Nam và đảng Cộng sản Trung Quốc cùng nhận thức và thấm nhuần chủ nghĩa Marx - Lenin, tin tưởng vào tương lai mà thế giới trở nên đại đồng, bao dung. Lý luận Mao Trạch Đông, đường lối Đặng Tiểu Bình cùng tư tưởng Hồ Chí Minh đang được lãnh đạo đương thời hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy.
Xét về kinh tế, hai quốc gia có nhiều nét tương đồng, cùng đi qua thời kỳ bao cấp đến cải cách, mở cửa, hội nhập sâu rộng; cả hai hình thành nơi hội tụ lợi ích to lớn và các giá trị có ý nghĩa tham chiếu lẫn nhau.

Phát huy mặt mạnh

Có thể nói, cầm cương quan hệ hai nước Việt - Trung cũng giống như người chơi rubic, đòi hỏi trí tuệ thông minh, nhanh nhạy để làm sao xoay xở tạo ra những mặt đẹp nhất, đồng chất nhất, hòa hợp nhất để cùng nhau tồn tại và phát triển.
Một trong những mặt ấy là lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên toàn cầu.

Trung Quốc - thị trường cận biên khổng lồ của Việt Nam, dư sức giúp chúng ta huy động tối đa lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhờ giảm thiểu chi phí sản xuất, kinh doanh; tiếp thu công nghệ, học hỏi bản lĩnh thương gia Hoa kiều. Một khi hai bên thuận hòa, cùng vun đúc mối quan hệ hợp tác song phương, thì cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại sẽ rộng mở hơn nữa.

>> Thấy gì từ chuyến công du Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Lịch sử chứng minh rằng, thời kỳ nào đôi bên cũng duy trì cân bằng “địa chính trị - chiến lược”, đều có lợi cho đại cục. Và quá khứ cũng viết nên bài học, đường lối cứng rắn luôn dẫn đến bờ vực đổ vỡ, không riêng bên nào.
Hy vọng rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn mới. Cùng nhau vun đắp lý tưởng ngoại giao đại đồng, cao thượng; quản lý tốt căng thẳng, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

“Đòn bẩy” đầu tư, thương mại Việt - Trung

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa 2 Đảng, làm định hướng cho quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác đầu tư, thương mại.

Chuối là loại quả thứ 11 của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Chuối là loại quả thứ 11 của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và những biến động địa - chính trị trên thế giới, song quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương.

Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN (từ năm 2016), và là nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ năm 2020) của Trung Quốc. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,9 tỉ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 117,4 tỉ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Về đầu tư, lũy kế đến ngày 20/8, Trung Quốc đứng thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỉ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỉ USD.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng , hai bên đã ký kết nhiều bản ghi nhớ, trong đó có việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Do đó, thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc chắc chắn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc và chiến lược mới sau Đại hội 20

    Trung Quốc và chiến lược mới sau Đại hội 20

    05:55, 23/10/2022

  • Điểm giao thoa trong quan hệ Việt - Trung

    Điểm giao thoa trong quan hệ Việt - Trung

    04:30, 01/11/2022

  • Quan hệ Việt - Trung: Đại đồng vì đại cục

    Quan hệ Việt - Trung: Đại đồng vì đại cục

    11:08, 31/10/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ