Trung Quốc tham vọng xây dựng quyền lực mềm thay cho cách tiếp cận cũ. Như vậy sau Đại hội 20, hàng loạt chương trình mới sẽ được Trung Quốc khởi xướng.
>>Trung Quốc và bước ngoặt Đại hội Đảng 20
Đại hội lần thứ 20 Đảng cộng sản Trung Quốc thể hiện tầm nhìn sứ mệnh 100 năm tới, với rất nhiều kế hoạch mới, cách thức mới, phương pháp mới; đồng thời một số chương trình cũ dường như không còn được ưu tiên.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nhắc đến cụm từ “phát triển” 100 lần, nhưng hầu như không nhấn mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) - chương trình đầy tham vọng, giúp cho tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thể hiện khắp thế giới. Điều này có thể được giải thích như sau:
Thứ nhất, sau khi thâm nhập vào hàng chục quốc gia, BRI bộc lộ quá nhiều mặt trái. Dòng vốn thiếu minh bạch, chứa đựng ý đồ chính trị, kết hợp với luật pháp, thể chế sở tại còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến kém hiệu quả.
Bài học vỡ nợ tại Sri Lanka và nhiều nơi khác cho thấy, quản trị công kém hiệu quả, xây dựng các công trình khổng lồ không tuân theo mong muốn của người dân, hầu hết do giới lãnh đạo quyết định. Vì vậy, BRI khiến hình ảnh Trung Quốc trở nên đáng quan ngại.
Thứ hai, Bắc Kinh đã gặt hái nhiều thành công từ chương trình này. Nói một cách tổng quát, các nước vay tiền Trung Quốc khó thoát khỏi vòng tròn ảnh hưởng của quốc gia này.
Trung Quốc đã sở hữu cảng nước sâu Hambantota ở Sri Lanka; cảng Piraeus ở Hy Lạp; chủ sở hữu phần lớn đất đai đắc địa tại thành phố Shihanukville (Campuchia); đặt chân rết tại các quốc đảo trên Thái Bình Dương và nhiều nơi khác ở Nam Á, Trung Á, Trung Đông đến châu Phi.
Đầu năm nay, tại “Diễn đàn châu Á Bác Ngao”, ông Tập Cận Bình đề xuất sáng kiến an ninh toàn cầu: “Chúng ta nên đề cao nguyên tắc an ninh không thể tách rời, xây dựng cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời phản đối một nước xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh cho các nước khác”.
Nguyên tắc an ninh “không thể tách rời” có nghĩa là liên kết, tập hợp. Trong bàn cờ chính trị quốc tế từ xưa đến nay, nếu có một quốc gia nổi thành cường quốc thì không thể thiếu hệ thống đồng minh xung quanh. Trung Quốc thực sự đang cố gắng gây dựng mạng lưới dưới sự kiểm soát của họ, tuân theo luật chơi do họ đặt ra.
Vậy, ai được nhắm đến? Chính là các quốc gia mang ơn Trung Quốc, mắc nợ Trung Quốc, có quan hệ không thể tách rời Trung Quốc. Thông qua các nước này, Trung Quốc sẽ hiện diện kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Có thể nói BRI chỉ là màn dạo đầu, buộc các quốc gia không thể không duy trì quan hệ với Bắc Kinh, nếu không muốn nói nằm trong tầm ảnh hưởng của cường quốc châu Á. Nếu bây giờ Trung Quốc chìa ra cơ chế hợp tác mới, liệu các nước phụ thuộc có thể chối từ?
Về “sáng kiến phát triển toàn cầu” (GDI) mới đề xuất gần đây, đánh dấu một bước khởi đầu quan trọng trong câu chuyện phát triển của Trung Quốc vì nó đưa ra một khuôn khổ chuẩn mực cho các cam kết mới, hiện có hơn 50 thành viên.
Sự ra đời của GDI cho thấy Trung Quốc bắt đầu giảm nhịp độ BRI. Nếu như BRI là cuộc thâm nhập bằng sức mạnh “cứng” thì GDI là cuộc chơi quyền lực “mềm”. Điều đó đánh dấu một giai đoạn mới, cao hơn trong tiến trình lan tỏa các gia trị do Trung Quốc chủ trì phát triển.
Trung Quốc bày tỏ hoài nghi với tất cả cơ chế hợp tác phát triển toàn cầu do phương Tây cầm trịch. Giờ đây Bắc Kinh muốn “ra riêng”, thiết lập quy tắc mới trong một trật tự thế giới mới.
Có thể bạn quan tâm
Đại hội Đảng 20 Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình nói gì về vấn đề Đài Loan?
04:30, 19/10/2022
Trung Quốc và bước ngoặt Đại hội Đảng 20
05:00, 17/10/2022
Các địa phương ở Trung Quốc đối mặt thâm hụt ngân sách khủng
04:00, 18/10/2022
Đại hội Đảng 20 Trung Quốc: Nhấn mạnh an ninh và tự chủ công nghệ
04:00, 17/10/2022