Giải quyết vấn đề Đài Loan là một trong những nhiệm vụ mà ông Tập Cận Bình nêu ra trong bài phát biểu mở màn Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản lần thứ 20.
Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 là dịp để Trung Quốc nói về thành tựu, công bố kế hoạch lớn cho tương lai. Vì vậy, bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khai mạc có ý nghĩa tương đương như một văn kiện mang tính lý luận.
Thống nhất lãnh thổ, giải quyết vấn đề Đài Loan là nội dung được ông Tập đưa ra một cách mạnh mẽ và đậm nét trong bài phát biểu này. Ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết chống lại sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào vấn đề Đài Loan”.
“Giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của người Trung Quốc và phải do người Trung Quốc giải quyết", ông Tập Cận Bình nhấn mạnh. Việc Trung Quốc muốn xóa bỏ tư tưởng ly khai của Đài Loan không phải là vấn đề mới, vấn đề là Bắc Kinh sẽ thực hiện điều này vào lúc nào và thực hiện bằng cách nào?
Người Mỹ đã duy trì hiện trạng quan hệ Đài Loan - Trung Quốc từ năm 1949. Nghĩa là Đài Bắc không chính thức tuyên bố độc lập; còn Bắc Kinh chưa nổ súng tấn công hòn đảo này.
Nhưng tình thế lúc này đã khác, Trung Quốc chính thức lột bỏ chiếc kén “quốc gia đang phát triển”, đề nghị được đối xử như “cường quốc”. Thực tế họ đã là cường quốc đối trọng với Mỹ ở nhiều lĩnh vực. Như ông Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh có thể làm mọi cách, không loại trừ vũ lực.
Và như vậy, liệu cách tiếp cận “chính trị - ngoại giao” bấy lâu nay của Mỹ có còn phù hợp? Sự kiện bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm Đài Loan khiến Bắc Kinh giận dữ, một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc xung quanh hòn đảo Đài Loan đã diễn ra.
Ngay sau đó, khi được phóng viên kênh truyền hình CBS hỏi: “Liệu các lực lượng Mỹ có tham gia bảo vệ Đài Loan hay không?”, Tổng thống Joe Biden trả lời rằng: “Có, nếu xảy ra một cuộc tấn công chưa từng có”.
Liên quân Nhật - Mỹ đã triển khai khí tài trên chuỗi đảo Nansei kéo dài theo hướng Tây Nam từ Nhật Bản đến gần đảo Đài Loan, đề phòng tình huống Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công đảo.
Như vậy, Washington thể hiện quan điểm sẵn sàng can thiệp vào vấn đề mà Trung Quốc cho là “chuyện nội bộ”. Đây là lý do quan trọng nhất khiến Bắc Kinh không dám hành động mạo hiểm.
Đài Loan có nguy cơ trở thành một “Sinh tử phù” rất nguy hiểm ngay trong lòng Trung Quốc, khi hòn đảo này là nơi sử dụng rất nhiều vũ khí Mỹ. Tháng 9/2022, Lầu Năm Góc đã “lobby” thành công lô vũ khí trị giá 1,1 tỷ USD cung cấp cho Đài Loan.
Đài Loan đang trở nên quan trọng với Mỹ - Trung Quốc và toàn thế giới, bên cạnh vị trí địa chính trị. Đặc biệt, bí quyết công nghệ của nhà sản xuất chip TMSC của Đài Loan là thứ mà Trung Quốc rất thèm muốn.
Để khuất phục hòn đảo là điều không dễ với Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh và Washington tìm thấy tiếng nói chung trên mặt trận lợi ích. Nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ kiên trì chờ đợi cơ hội.
Có thể bạn quan tâm
Dự luật Mỹ và thế khó của Trung Quốc ở Đài Loan
04:30, 19/09/2022
Hải Phòng: Kết nối doanh nghiệp đầu tư đến từ Đài Loan
06:26, 13/09/2022
Trung Quốc khó thoát phụ thuộc chip của Đài Loan
15:30, 17/08/2022
Chủ tịch Hạ viện Mỹ dự kiến tới Đài Loan: Trung Quốc cảnh báo Mỹ "đừng đùa với lửa"
04:30, 29/07/2022
Đài Loan sẽ ra sao trong kế hoạch “phục hưng Trung Quốc”?
05:10, 09/07/2022
Đài Loan hướng đến đổi mới công nghệ sản xuất thông minh
08:54, 08/07/2022