Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "điêu đứng" vì lệnh trừng phạt

CẨM ANH 25/11/2022 14:21

Sau 9 tháng chiến sự Nga- Ukraine, các chuyên gia nhận định nền kinh tế Nga đã và đang bắt đầu chịu những thiệt hại lớn.

>>Ukraine và nỗi lo thảm họa nhân đạo mùa đông

Kinh tế Nga gặp nhiều tổn thất kể từ khi phát động cuộc chiến tại Ukraine

Kinh tế Nga gặp nhiều tổn thất nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Các ngân hàng hàng đầu của Nga đã bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, khoảng 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng và hàng trăm công ty nước ngoài đã rời khỏi thị trường này. Tình trạng thiếu linh kiện, phụ tùng đã cản trở ngành công nghiệp ô tô và đe dọa ngành hàng không thương mại của Nga.

Trước lệnh động viên một phần của Tổng thống Putin, hàng chục ngàn lao động tại nước này đã rời khỏi nước này, thay vì tham gia vào chiến sự Nga- Ukraine. Một dự báo của OECD được công bố trong tuần này cho rằng nền kinh tế Nga sẽ giảm 5,6% vào năm 2023.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đã không ngăn được chiến sự tại Ukraine, nhưng cũng đã làm suy yếu vị thế của Nga với tư cách là một cường quốc thế giới, đồng thời nội bộ chính trường Nga cũng đặt nhiều nghi ngại về cuộc chiến này.

Giới quan sát cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã làm gia tăng chi phí cho chiến tranh, đồng thời khiến việc đầu tư vào thị trường này ẩn chứa nhiều rủi ro. Các khoản đầu tư vào Nga từng được coi là yếu tố quyết định đối với tăng trưởng và phúc lợi của nước này, nhưng giờ đây cũng đã giảm rất mạnh. 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đã lên tiếng cảnh báo tình hình nền kinh tế Nga có thể trở nên u ám hơn. "Chúng tôi thực sự cần phải xem lại tình hình một cách tỉnh táo và nhìn nhận mọi khía cạnh. Chúng tôi hiểu mọi thứ có thể tồi tệ hơn", bà Elvira Nabiullina nói.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã ra nghị quyết tuyên bố Nga là "nước tài trợ chủ nghĩa khủng bố", cáo buộc lực lượng Nga có hành động chống lại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, vi phạm luật quốc tế và nhân đạo.

Với nghị quyết này, Nghị viện châu Âu rõ ràng đang tìm cách tăng sức ép cô lập Nga trên trường quốc tế; đồng thời gây sức ép để các nước khác, cụ thể là Mỹ, có lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông Bruno Lété, chuyên gia cấp cao Quỹ German Marshall của Mỹ, hiện tại tác động trực tiếp đến cuộc chiến vẫn còn hạn chế. Các biện pháp trừng phạt hiếm khi tạo ra thay đổi chính trị nhanh chóng hoặc chấm dứt xung đột ngay lập tức.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Mỹ và phương Tây lại "ra tay" giúp Ukraine

Lạm phát của Nga từ năm 2019 tới 2022. Đồ họa: Consilium.

Lạm phát của Nga từ năm 2019 tới 2022. Đồ họa: Consilium.

"Với việc các lực lượng của Nga đang rút lui khỏi Kherson, điều quan trọng là phương Tây phải gia tăng áp lực. Đặc biệt, Mỹ và các đồng minh nên tiếp tục trang bị vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Ukraine", ông Bruno Lété nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Bruno Léte cho rằng, Châu Âu nên nỗ lực hơn nữa để khắc phục các lỗ hổng trừng phạt kinh tế đối với Nga, chẳng hạn như có bằng chứng cho thấy quân đội Nga đang nhập khẩu linh kiện từ một số nước láng giềng để bù đắp cho việc mất khả năng tiếp cận với chất bán dẫn của phương Tây. Ngoài ra, cần có hành động nghiêm khắc để thực thi các biện pháp trừng phạt dầu thô của EU và trần giá dầu do Mỹ khởi xướng đối với dầu của Nga. Trên thực tế, EU và các nước thuộc khối G7 vẫn đang gặp khó trong việc thống nhất mức trần giá dầu đối với Nga. 

ông Sajjan M Gohel, chuyên gia chống khủng bố, giảng viên Trường Kinh tế London (LSE) nhận định, dù có chuẩn bị và có cách thức ứng phó hiệu quả đến đâu, nhưng nền kinh tế Nga vẫn khó có thể chống chọi hoàn toàn với sóng gió trừng phạt từ Mỹ và phương Tây trong thời gian dài.

"Về cơ bản, vấn đề hiện nay là có sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu, và giữa các nước châu Âu với Mỹ trong câu chuyện trừng phạt Nga", chuyên gia này đánh giá và nhấn mạnh, để các biện pháp trừng phạt thực sự có hiệu quả, các chính phủ phương Tây và các đối tác của họ cần phải đoàn kết với nhau. Khi đó, với sức mạnh kinh tế cùng sự thống trị trong nền kinh tế toàn cầu, Mỹ và phương Tây có khả năng gây tổn thương mạnh hơn đến Nga. Và điều này có khả năng thay đổi cuộc chiến tại Ukraine".

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Mỹ và phương Tây lại

    Chiến sự Nga- Ukraine: Mỹ và phương Tây lại "ra tay" giúp Ukraine

    04:00, 25/11/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân

    Chiến sự Nga- Ukraine: Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân

    04:30, 24/11/2022

  • Chiến tranh Nga - Ukraine: Ngã rẽ mới trên chiến trường

    Chiến tranh Nga - Ukraine: Ngã rẽ mới trên chiến trường

    04:30, 23/11/2022

  • Ukraine và nỗi lo thảm họa nhân đạo mùa đông

    Ukraine và nỗi lo thảm họa nhân đạo mùa đông

    04:00, 23/11/2022

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Nga thay đổi chiến thuật cho mùa đông

    Chiến sự Nga- Ukraine: Nga thay đổi chiến thuật cho mùa đông

    14:38, 22/11/2022

CẨM ANH