Nhịp sống thế giới từ ngày 19- 25/12
Bộ trưởng Tài chính G7 nhất trí tăng hỗ trợ cho Ukraine; Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu tới 7% trong đầu năm 2023; EU thống nhất mức giá trần khí đốt... là những tin đáng chú ý.
>> Nhịp sống thế giới từ ngày 12-18/12
1. Các nước EU thống nhất mức giá trần khí đốt
Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh (megawatt giờ), được áp dụng từ giữa tháng 2 năm tới.
2. Lạm phát ở Nhật Bản tăng mạnh nhất kể từ năm 1981
Trong tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ tháng 12/1981, chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tăng. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp, chỉ số này tăng.
3. NHTW Hàn Quốc "bật mí" tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 23/12 đã công bố báo cáo dự đoán triển vọng kinh tế năm 2023 đối với trong nước và quốc tế. Cùng với đó, BoK cam kết coi ổn định giá cả là mục tiêu chính của năm 2023 và không loại trừ phương án tiếp tục tăng lãi suất.
4. Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu tới 7% trong đầu năm 2023
Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu tới 7% trong đầu năm 2023 sau khi các nước phương Tây thống nhất áp giá trần đối với dầu thô của nước này. Mức cắt giảm có thể từ 500.000-700.000 thùng/ngày, tương đương với 5-7% tổng sản lượng khai thác của Nga. Moscow sẽ không giao dịch dựa trên các điều khoản về mức trần giá dầu.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 5 - 13/12
5. Quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu của chính phủ
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu của chính phủ trị giá 1.660 tỷ USD, nhằm giúp duy trì hoạt động của các cơ quan liên bang đến tháng 9/2023; đồng thời cung cấp các khoản viện trợ trị giá 44,9 tỷ USD cho Ukraine.
6. Giao thương giữa Thụy Sỹ và Nga tiếp tục tăng
Số liệu chính thức của Cơ quan Hải quan Thụy Sỹ cho thấy khối lượng thương mại giữa Thụy Sỹ và Nga đã tăng lên kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, bất chấp lệnh trừng phạt của Thụy Sỹ. Xuất khẩu từ Thụy Sỹ sang Nga đã tăng 19% trong khi nhập khẩu tăng 54% kể từ ngày 24/2/2022.
7. Bộ trưởng Tài chính G7 nhất trí tăng hỗ trợ cho Ukraine
Các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) ra tuyên bố chung cho biết các nước thành viên sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ khác tăng hỗ trợ cho Ukraine. G7 đã huy động 32 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và ngân sách cho Ukraine, bao gồm 18 tỷ euro (19,09 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU).
8. Australia chính thức áp trần giá khí đốt
Chính phủ Australia vừa chính thức ban hành mức trần giá khí đốt trong nước, thiết lập giới hạn tối đa 12 AUD (7,68 USD)/gigajoule, áp dụng trong vòng 12 tháng, tính từ ngày 22/12/2022. Việc áp giá trần khí đốt dự kiến sẽ làm giảm giá gas trong nước khoảng 16 điểm phần trăm, trong năm tài chính 2023 - 2024.
9. Trung Quốc nhập khẩu năng lượng từ Nga ở mức kỷ lục
Mặc dù tổng lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc giảm 5,4%, nhưng lượng mua mặt hàng năng lượng này từ Nga trong tháng 11 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 852.000 tấn, trị giá 815,6 triệu USD.
10. Áo gia hạn việc kiểm soát biên giới với Slovakia
Áo đã quyết định gia hạn việc kiểm soát biên giới với Slovakia thêm 30 ngày, đến 26/1/2023. Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner cho biết việc gia hạn kiểm soát biên giới với Slovakia trong bối cảnh hiện nay vẫn là cần thiết để đấu tranh chống nạn buôn người.
Có thể bạn quan tâm