COVID-19 lại thử thách khả năng của Trung Quốc
Tái mở cửa muộn hơn phần còn lại, Trung Quốc đang một mình đối phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 với tính chất và mức độ nguy hiểm hơn.
>>Thế giới lại "phát sốt" vì làn sóng COVID-19 mới ở Trung Quốc
Từ năm 2019, Trung Quốc phát động chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19 được nâng tầm như “chiến tranh nhân dân”, chủ nghĩa dân tộc và quyền lực nhà nước toàn năng được phát huy tối đa.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hy vọng hành động “khác biệt” sẽ mang đến kết quả “đặc biệt”, nếu mô hình chống dịch kiểu Trung Quốc thành công sẽ là bằng chứng không thể chối cãi, rằng Trung Quốc đủ sức giải quyết các vấn đề lớn hiệu quả hơn phần còn lại.
Bắc Kinh đã tự tin chọn lối đi riêng đối phó với dịch bệnh, trong khi hàng trăm quốc gia còn lại nhìn vào nhau để điều chỉnh chính sách, áp dụng sáng kiến, những cánh cửa mở dần từ châu Á sang châu Âu, Mỹ,…
Trung Quốc có lý do để không cần quan tâm những diễn biến từ bên ngoài, đó là thị trường lớn, công xưởng sản xuất lớn, đầu mối phân phối cung ứng toàn cầu. Thế giới đã chịu tổn thất không nhỏ vì “zero COVID” của Trung Quốc.
Động thái từ bỏ “zero COVID” hồi giữa tháng 12/2022 của chính phủ nước này mang tính chính trị nhiều hơn - sau khi xuất hiện làn sóng phản kháng âm ỉ, gia tăng bất bình và bất đồng quan điểm.
“Hãy là người đầu tiên chịu trách nhiệm về sức khỏe của chính mình” là khẩu hiệu tuyên truyền chống dịch mới của Trung Quốc. Những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội lên truyền hình quốc gia để thuyết phục công chúng rằng biến thể Omicron của COVID-19, hiện đang lan tràn ở Trung Quốc, không có gì đáng lo ngại.
Các nhà chuyên môn dịch tễ học đã loại bỏ khái niệm “viêm phổi” khỏi mô tả chính thức về nhiễm COVID-19; cơ quan chuyên trách của Trung Quốc không báo cáo số ca nhiễm, tử vong hàng ngày, nhằm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Một bài xã luận trên tờ Nhân dân nhật báo hồi tháng 11 năm ngoái thậm chí còn cho rằng nước này đã “chiến thắng” trong cuộc chiến chống dịch và kêu gọi các đảng viên ở mọi cấp “kiên quyết vượt qua những hiểu lầm, biểu hiện mệt mỏi” trong nỗ lực đó.
Một phong trào tuyên truyền vẫn được tổ chức đều đặn ở Trung Quốc nhằm an lòng dân chúng. Nhưng Trung Quốc vẫn một mình tiến nhanh đến đỉnh dịch mới, ít nhất cho đến hết quý I năm nay.
Đơn cử, hơn 90% dân số tỉnh Hà Nam, tương đương dân số nước Đức đã mắc COVID-19. Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người cao tuổi Trung Quốc sẽ góp phần làm tăng số ca tử vong. Các video trên mạng xã hội về các lò hỏa táng quá đông đúc ở các thành phố lớn cho thấy một sự thật đen tối hơn.
>> Doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lo ngại gián đoạn sản xuất vì COVID-19
Hàng trăm triệu người công nhân nhập cư dự kiến sẽ quay trở lại vùng nông thôn vào cuối tháng 1/2023 để đón Tết Nguyên đán, điều này có thể sẽ khiến tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt ở vùng nông thôn - nơi mà hạ tầng y tế vốn đã yếu kém.
Tình trạng thiếu nguồn lực y tế trầm trọng hiện đang hiển hiện trên khắp đất nước Trung Quốc; với việc phải tái định hướng nguồn lực con người, tài chính khổng lồ xoay chuyển theo chính sách chống dịch mới là thách thức không hề đơn giản.
Những điều tồi tệ ở Trung Quốc cũng từng xảy ra tại các quốc gia khác, tương ứng với chu kỳ bùng phát, đạt đỉnh và thoái trào. Điểm khác biệt là trong khi phần đông chấp nhận “trận chiến chưa biết trước” với COVID-19 thì Trung Quốc luôn dùng sức mạnh chính trị để khỏa lấp khuyết điểm.
Rõ ràng, ông Tập Cận Bình khởi đầu nhiệm kỳ thứ 3 không hề dễ dàng, với bức tranh y tế, dịch tễ đã và đang được vẽ thêm những gam màu thiếu sáng.
Có thể bạn quan tâm
Ngành nào sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa?
03:00, 11/01/2023
Giải pháp nào để hút khách Trung Quốc vào Việt Nam?
04:10, 10/01/2023
Trung Quốc mở cửa, Nhân dân tệ tăng giá
04:40, 04/01/2023
Thế giới lại "phát sốt" vì làn sóng COVID-19 mới ở Trung Quốc
04:30, 09/01/2023
Nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 mới từ Trung Quốc
04:00, 04/01/2023