Chiến sự Nga- Ukraine: Mỹ đã thực sự tham chiến?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 18/01/2023 04:30

Ai cũng có thể thấy vai trò của phương Tây quan trọng như thế nào với sự tồn tại của Ukaine. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi, liệu Mỹ đã thực sự tham chiến?

Một lô vũ khí Mỹ chuyển đến Ukraine

Một lô vũ khí Mỹ chuyển đến Ukraine

>>Chiến sự Nga - Ukraine: Bên nào sẽ chiến thắng?

Với chiến sự Nga - Ukraine, Phương Tây đã không can thiệp một cách mạnh mẽ giống như hồi năm 2014- thời điểm Nga sáp nhập Crimea. Tuy vậy, những tín hiệu liên tục cho thấy Mỹ, NATO, châu Âu đã thực sự cản bước Moscow giành chiến thắng ở Ukraine.

Ngày 25/2/2022, tức là 1 ngày sau khi Nga nổ súng tấn công Kiev, Tổng thống Ukraine Zelensky đã gọi điện cầu cứu khắp châu Âu: “Tôi đã liên hệ với các đối tác phương Tây yêu cầu giúp đỡ, nhưng tất cả đều im lặng”, Tổng thống Ukraine nói.

Phương Tây không tin Ukraine có thể trụ vững quá một tuần nên họ “án binh” quan sát. Và nếu như quân đội Nga có thể thần tốc hoàn thành mục tiêu “phi phát xít hóa Ukraine” như mong muốn thì Mỹ, EU cùng lắm chỉ có thể sử dụng “vũ khí cấm vận” giống như hậu sự kiện Crimea.

Nhưng bước ngoặt cuộc chiến xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Kiev, sức chống cự mãnh liệt của binh lính và dân chúng Ukraine buộc Nga rút lui và chuyển hướng chiến lược về miền Đông. Đây cũng là thời điểm mà tình báo NATO nhận thấy sức mạnh thực sự của đạo quân vẫn được mặc nhiên hùng mạnh nhất nhì thế giới.

Ngay lập tức, 3.160 tên lửa Javelin, NLAW và Stinger từ Anh Quốc chuyển đến cùng với các thiết bị thông tin quân đội có phần mềm chống nghe lén nhờ có cài mật mã.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bắn 160 tên lửa “quét sạch” hạ tầng quân đội Ukraine nhưng trên thực tế, lực lượng không quân Ukraine nhận được lệnh sơ tán trước đó vài giờ đồng hồ - một lần nữa tình báo NATO cho thấy sự chính xác tuyệt đối về mặt thông tin chiến lược.

Phương Tây dùng kế đánh đối phương thua nhưng không đau, tăng dần vũ khí nhưng không ồ ạt vì: thứ nhất, cần biết nhu cầu chiến trường; thứ hai, không để Nga “nổi nóng” mất kiểm soát dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Như đã thấy, ban đầu là vũ khí đơn giản, tiếp đến là hệ thống pháo M777, Ceasar đến HIMARS, rồi tên lửa Harpoon phòng thủ bờ biển, kể cả AGM-88 HARM- tên lửa tốc độ cao chống bức xạ và sắp tới là Patriot.

Mỹ và châu Âu có nhiều chuyện thực chiến chuyên nghiệp, liên tục tham gia các cuộc chiến lớn, cho nên họ thực tế hơn các tướng Ukraine. Bởi vì, họ cũng nghiên cứu cả đối phương và thực tế chiến trường để đưa ra phương án tương thích.

Hơn 100 sĩ quan chỉ huy Ukraine được đặc cách sang Mỹ huấn luyện sử dụng hệ thống Patriot; NATO cũng đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho binh sĩ Ukraine tại Đức; tình báo Anh, Mỹ liên tục cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ tổng chỉ huy ở Kiev.

Nga vẫn liên tục tấn công Ukraine bằng tên lửa

Nga vẫn liên tục tấn công Ukraine bằng tên lửa

Nhờ đồng minh phương Tây mà đội quân Ukraine được cho là lạc hậu nhất châu Âu có thể tổ chức các chiến dịch quy mô nhỏ một cách thông minh. Họ sử dụng vũ khí tiết kiệm và hiệu quả, đưa Nga vào tình thế giằng co, và Tổng thống Putin phải ít nhất 3 lần thay đổi chiến thuật trên chiến trường Ukraine.

Mỹ và châu Âu sẽ tăng cường viện trợ vũ khí, rất có thể “chim cắt” F16 Fighting Falcon, “thần sấm” A-10 Thunderbolt II, xe tăng Abraham lần lượt tham chiến, nếu như Moscow đưa ra các đối trọng đủ sức nặng.

Mọi thứ cứ tuần tự xuất hiện như kịch bản đã sắp sẵn, bởi tình báo phương Tây luôn biết trước kế hoạch của Nga ở Ukraine. Điều đó vốn không làm Kremlin cảm thấy bị “sốc” để đảm bảo chiến tranh không lan ra khỏi lãnh thổ Ukraine.

Việc Mỹ liên tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, kể cả nhiều thông tin, chiến lược quan trọng, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Mỹ đã thực sự tham chiến ở Ukraine hay chưa? Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ chưa thực sự tham chiến ở Ukraine, mà đây mới chỉ là cuộc chiến ủy nhiệm.

Tuy nhiên, Nga cho rằng Mỹ, NATO đang trực tiếp tham chiến ở Ukraine khi cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraine. "Đừng nói Mỹ và NATO không tham gia cuộc chiến này. Các ngài đang trực tiếp tham chiến, bao gồm cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraine trên lãnh thổ của các ngài", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói tại một cuộc họp báo ở Moscow.     

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Nga chuẩn bị

    Chiến sự Nga - Ukraine: Nga chuẩn bị "chơi lớn"?

    04:00, 10/01/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Phương Tây

    Chiến sự Nga - Ukraine: Phương Tây "chơi tất tay" hỗ trợ Ukraine

    04:00, 15/01/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Viện trợ của Mỹ và phương Tây sẽ thế nào?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Viện trợ của Mỹ và phương Tây sẽ thế nào?

    03:30, 06/01/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Sức ép viện trợ của Mỹ và phương Tây

    Chiến sự Nga - Ukraine: Sức ép viện trợ của Mỹ và phương Tây

    21:29, 05/01/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức quan hệ Nga - Trung Quốc

    Chiến sự Nga - Ukraine: Thách thức quan hệ Nga - Trung Quốc

    04:00, 31/12/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ