Điều gì đáng chú ý tại Châu Á trong năm 2023?

CẨM ANH 20/01/2023 03:30

Giới quan sát nhận định, châu Á đang chuẩn bị đón nhận những cơ hội và thách thức mới bên cạnh nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.

>>Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại - tài chính với ASEAN

Nikkei Asia đã liệt những sự kiện có thể tái định hình châu Á trong năm 2023.

Thông điệp bền vững từ CES 2023

Vào tháng 1/2023, triển lãm công nghệ và điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES đã diễn ra tại thành phố Las Vegas, Mỹ. Khoảng 2.800 thương hiệu - bao gồm Google, Microsoft, Sony và LG - từ hơn 160 quốc gia cùng hơn 480 nhà triển lãm đến từ Trung Quốc đã mang đến cái nhìn đầu tiên về các xu hướng công nghệ được dự đoán bùng nổ trong năm 2023.

Được biết, tại CES năm nay, chủ đề "bền vững" được nhiều hãng công nghệ nhấn mạnh. Các doanh nghiệp đã thể hiện trách nhiệm cộng đồng bằng cách giúp sản phẩm của họ thân thiện với môi trường hơn như Samsung hợp tác với Patagonia để giảm lượng vi nhựa thải trong máy giặt. Asus cũng nhấn mạnh con số 1.500 tấn nhựa tái chế, được dùng trong những thiết bị sản xuất từ năm 2017.

Thông điệp bền vững được nhiều công ty nhấn mạnh trong suốt buổi thuyết trình. Bà Lisa Su, CEO AMD thường xuyên nói về hiệu quả tiết kiệm năng lượng trên các dòng CPU mới. Robot trồng cây của tập đoàn thiết bị nông nghiệp John Deere được thiết kế nhằm tiết kiệm phân bón và hóa chất.

Đại hội Thế giới Di động 2023 tại Barcelona

Mobile World Congress 2023 sẽ là sự kiện đầu tiên trong kỷ nguyên hậu đại dịch sau khi hầu hết các quốc gia chấm dứt hạn chế đi lại, bao gồm cả Trung Quốc. Dự kiến, các công ty công nghệ chủ chốt của Trung Quốc sẽ mở rộng sự hiện diện tại thị trường châu Âu, bao gồm Huawei, Oppo và Xiaomi.

Bên cạnh các dòng điện thoại thông minh, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ giới thiệu các công nghệ khác như chip không dây, ô tô kết nối và công nghệ cơ sở hạ tầng mới nhất.

Trung Quốc họp Quốc hội

Kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc sẽ khai mạc vào tháng 3/2023. Đây sẽ là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc khóa 14, cũng là kỳ họp đầu tiên được tổ chức sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các nội dung được quyết định sẽ bao gồm nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng, các phó thủ tướng, các thành viên Quốc vụ viện, Chánh án tòa án tối cao và Viện trưởng viện kiểm sát tối cao. Bên cạnh đó, người ta sẽ tập trung theo dõi các mục tiêu đầu tư kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc trong giai đoạn tới.

Các cuộc bầu cử quan trọng

Cuộc đua trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Thái Lan đã được bắt đầu trước khi năm 2022 kết thúc. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha rời Đảng Palang Pracharath cầm quyền và công bố quyết định sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ kế tiếp. Thái Lan dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5/2023, khi 500 thành viên Hạ viện kết thúc nhiệm kỳ vào 23/3/2023.

Trong khi đó, người dân Campuchia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử toàn quốc vào ngày 23/7/2023. Giới quan sát nhận định, sự chú ý trong chiến dịch tranh cử có thể sẽ rơi vào vai trò của con trai cả của Thủ tướng Hung Sen, ông Hun Manet. Trước đó, Hội nghị Trung ương bất thường của Đảng Nhân dân Campuchia đã xác nhận ủng hộ ông Hun Sen làm ứng cử viên Thủ tướng Chính phủ Campuchia trong nhiệm kỳ tới và ông Hun Manet làm ứng cử viên chức vụ Thủ tướng Campuchia tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima

Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G7) từ ngày 19 đến 21/5/2023 tại thành phố Hiroshima. Chính phủ Nhật Bản hy vọng các nhà lãnh đạo G7 sẽ thể hiện cam kết mạnh mẽ rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ xảy ra trong bối cảnh lo ngại ngày một tăng về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đối thoại Shangri-La

Các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng Quốc phòng từ Mỹ, các nước châu Âu và châu Á sẽ tập trung từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 6 năm 2023 để tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore. Dự báo, đối thoại Shangri-La năm nay sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý khi căng thẳng trên nhiều điểm nóng toàn cầu tiếp tục gia tăng. 

>>Bất đồng Mỹ- Trung "phủ bóng" lên Thượng đỉnh G20

Ấn Độ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 

Ấn Độ- quốc gia tiếp quản vị trí Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) từ Indonesia vào ngày 1/12/2022, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 9 năm 2023 tại New Delhi. Với tư cách là Chủ tịch G20, Ấn Độ đang nỗ lực dẫn đầu trong ngoại giao quốc tế trong bối cảnh chiến sự Nga- Ukraine và lạm phát toàn cầu đang gây ra tình trạng khủng hoảng kinh tế trên khắp các thị trường mới nổi.

Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tuyên bố rằng: "Tôi muốn bảo đảm rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ bao trùm, tham vọng, quyết đoán và hướng vào các hành động cụ thể". Các chuyên gia nhận xét lập trường của Ấn Độ về hội nghị G20 năm 2023 có sự tương đồng đáng kể với tiếng nói của các nước đang phát triển.

UAE tổ chức COP28 tại Dubai

Hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ dự kiến diễn ra vào tháng 11/2023 tại thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Cuộc họp lần thứ 28 của khoảng 200 quốc gia có nhiệm vụ thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, từ cắt giảm lượng khí thải carbon đến vấn đề chi trả cho sự thích ứng và hậu quả của biến đổi khí hậu ở các khu vưc dễ bị tổn thương.

Thành công của COP28 cũng sẽ phụ thuộc một phần vào các nhà xuất khẩu dầu khí lớn điều hướng các cuộc đàm phán với tư cách là chủ nhà Hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản

Nhật Bản có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 12/2023 tại Tokyo để kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa 2 bên. Nhật Bản hy vọng tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Đây là hội nghị thượng định được người dân ASEAN và Nhật Bản quan tâm đặc biệt, vì nó sẽ góp phần đưa ra giải pháp ổn định tình hình kinh tế, chính trị trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm

  • COP27: Biến động địa chính trị cản trở chống biến đổi khí hậu

    COP27: Biến động địa chính trị cản trở chống biến đổi khí hậu

    03:30, 10/11/2022

  • Đối thoại Shangri-La:

    Đối thoại Shangri-La: "Vết nứt" quan hệ Mỹ- Trung ngày một lớn!

    05:14, 12/06/2022

  • Mỹ ra

    Mỹ ra "đòn phủ đầu" Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

    15:25, 01/06/2019

CẨM ANH