Mỹ ra "đòn phủ đầu" Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

Cẩm Anh 01/06/2019 15:25

Quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên trên cương vị mới tại Đối thoại Shangri-La.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên trên cương vị mới tại Đối thoại Shangri-La.

Theo Straits Times, tại đối thoại Shangri La - hội nghị Bộ trưởng và quan chức quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương sáng 1/6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm cho một loạt các hoạt động gây bất ổn ở châu Á và làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Trung Quốc có thể và nên duy trì quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực. Tuy nhiên hành vi làm xói mòn chủ quyền các nước khác và gieo rắc sự ngờ vực về ý định của Trung Quốc phải chấm dứt", Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung?

    02:49, 01/06/2019

  • Mỹ hạn chế Huawei ảnh hưởng đến thị trường smartphone Việt Nam như thế nào?

    02:51, 31/05/2019

  • Căng thẳng Mỹ - Trung: Ngành đường sắt "lên nòng"

    05:30, 30/05/2019

  • Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam cần am hiểu "luật chơi"

    11:00, 29/05/2019

Theo Quyền Bộ trưởng Quốc phòng, Mỹ không muốn xảy ra xung đột nhưng khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến là sự răn đe tốt nhất. Mỹ muốn đảm bảo không có đối thủ nào tin rằng họ có thể thông qua lực lượng quân sự để thành công trong các mục tiêu chính trị.

"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên của Mỹ. Mỹ sẽ có mặt ở những nơi chúng tôi thuộc về. Chúng tôi đang đầu tư vào khu vực", ông Shanahan khẳng định

Shanahan cho biết Lầu Năm Góc đã đề nghị 104 tỷ USD chi phí quân sự trên toàn cầu, cao nhất từ trước đến nay, cho việc nghiên cứu và phát triển trong năm tài khóa 2020, và 125 tỷ USD cho việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lưu ý Triều Tiên vẫn là mối đe dọa đặc biệt và cần cảnh giác cao độ.

Ông Shanahan cũng kêu gọi các đồng minh châu Á tăng chi phí an ninh quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực. Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để duy trì ưu thế quân sự và năng lực bảo vệ các đồng minh châu Á. Washington và Bắc Kinh đang cạnh tranh ở khu vực có nhiều điểm nóng tiềm tàng như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan.

"Có lẽ mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực này đến từ các đối tượng tìm cách phá hoại, thay vì duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nếu xu hướng của các hành vi này tiếp tục, các thực thể nhân tạo trên vùng biển quốc tế có thể trở thành trạm thu phí, chủ quyền có thể chịu ảnh hưởng của kẻ mạnh", ông Shanahan cho biết.

Trước đó, phát biểu trước báo giới ở Singapore bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 31/5, Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua là "quá đáng".

Đồng thời, theo Reuters, ông Shanahan cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng các đường băng dài hàng ngàn mét, lắp các tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông đã tàn phá quá mức và vượt ra ngoài cái gọi là biện pháp tự vệ như Bắc Kinh tuyên bố.

Bên cạnh những chỉ trích, ông Shanahan cũng đề cập đến sự hợp tác giữa hai nước trong trao đổi quân sự, chống cướp biển, phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 

Có thể thấy, Mỹ đã mở đầu Đối thoại Shangri-La bằng tuyên bố khẳng định đất nước này sẽ không giảm sự hiện diện trong những khu vực trọng yếu tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhiều chuyên gia nhận định, Đối thoại Shangri-la là diễn đàn, chứ không phải nơi đàm phán nên sẽ không có triển vọng thu hẹp bất đồng Mỹ - Trung.

Trên thực tế, giới chức quốc phòng Mỹ vẫn duy trì sức ép dư luận lớn lên Trung Quốc trước thềm đối thoại Shangri-La. Ông Shanahan cũng liên tục nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là mục tiêu ưu tiên trong chiến lược quốc phòng Mỹ. 

Thay vào đó, hai bên sẽ thể hiện quan điểm về cấu trúc an ninh khu vực, và hai bên sẽ thể hiện họ không nhường nhau. Đặc biệt, sự có mặt của  Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngay thời điểm ông Shanahan công bố chiến lược của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ khiến Shangri-La năm nay thể hiện rõ cột mốc trong cuộc leo thang cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.

Là nước lớn và có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với các nước trong khu vực, thái độ của Trung Quốc cũng sẽ là tâm điểm chú ý cho quyết sách của các nước. Bài phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa sẽ diễn ra vào ngày mai, 2/6.

William Choong, nghiên cứu viên cao cấp tại Đối thoại Shangri-La nhận định trên dòng trạng thái trên Twitter rằng, sự có mặt của cả ông Ngụy và ông Shanahan sẽ tạo ra “một cuộc đụng độ giữa 2 tầm nhìn, đó là chủ trương “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở” của Mỹ-Nhật Bản và chủ trương “châu Á dành cho người châu Á” của Trung Quốc”.

Chuyên gia này cũng cho rằng, các lãnh đạo Trung Quốc giờ nhận ra giá trị của các diễn đàn quốc phòng đa phương và muốn tước đi của Mỹ thế độc tôn về ảnh hưởng cường quốc.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói rằng nếu căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, sẽ có lúc các nước còn lại phải "chọn", bao gồm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, không quốc gia nào của ASEAN muốn "chọn" Mỹ hay Trung. Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào các động lực phát triển của những cường quốc, trong khi cố gắng tránh xa những xung đột nước lớn.

Năm nay, Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 sẽ có 6 phiên toàn thể. Bên cạnh đó, hàng trăm cuộc gặp bên lề cũng sẽ được các bên tổ chức để đối thoại, góp phần giải quyết các thách thức an ninh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ ra "đòn phủ đầu" Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO