Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn hiểm từ xe tăng thế hệ mới

CẨM ANH 28/01/2023 04:00

Các chuyên gia nhận định, nếu các xe tăng chiến đấu thế hệ mới do Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine được triển khai sớm, sẽ giúp Ukraine đảo ngược cục diện chiến sự hiện nay.

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Sắp có cuộc chiến lớn xảy ra

Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ

Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: US Army.

Sau khi xác nhận sẽ nhận được xe tăng M-1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh, Ukraine đang phải đối mặt với việc tìm ra cách thức kết hợp nhiều loại vũ khí hạng nặng khác nhau vào các đơn vị chiến đấu sao cho hiệu quả.

Ngay cả những ước tính lạc quan nhất cũng cho rằng sẽ mất vài tháng để số lượng xe tăng tham gia chiến trường tạo ra sự khác biệt lớn. Đặc biệt, đối với xe tăng Abrams, các chuyên gia quân sự dự đoán quân đội Ukraine có thể phải mất hơn một năm mới có thể triển khai chúng một cách có hiệu quả trên chiến trường.

Xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại là loại vũ khí phức tạp, phần lớn hiệu quả của chúng trên chiến trường là nhờ hệ thống máy tính và điện tử tinh vi. Do đó, việc duy trì hoạt động của xe tăng đòi hỏi phải được đào tạo chi tiết từ đội ngũ lái xe cho đến đội ngũ hậu cần hỗ trợ. 

Một số ý kiến cho rằng, nếu Ukraine chỉ sử dụng một loại xe tăng sẽ giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn, và đó là điều khiến quyết định của Đức cho phép Leopard 2 tham chiến trở nên quan trọng. Cụ thể, xe tăng Leopard 2 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực EMES 15 với bộ đo khoảng cách laser và camera ảnh nhiệt. Bộ đo khoảng cách laser có tầm hoạt động tối đa 10 km và sai số khoảng 10 m. Tổ hợp điều khiển hỏa lực với thiết bị ổn định cho phép Leopard 2 tấn công mục tiêu cơ động ở khoảng cách tới 5 km khi di chuyển trên địa hình gồ ghề.

“Xe tăng mà quân đội Ukraine có thể vận hành và bảo trì hiệu quả nhất là loại xe có số lượng lớn với các hệ thống ít phức tạp hơn, chạy bằng nhiên liệu dễ tiếp cận nhất và sử dụng đạn dược sẵn có. Leopard 2 có thể đáp ứng các tiêu chí này”, ông Blake Herzinger, chuyên gia phân tích tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết.

>>Vì sao phương Tây cấp “bảo bối” cho Ukraine?

Xe tăng Leopard 2A6 Đức trong cuộc thi đấu tại thao trường Grafenwoehr năm 2018. Ảnh: US Army.

Xe tăng Leopard 2 của Đức tại thao trường Grafenwoehr năm 2018. Ảnh: US Army.

Ông Nicholas Drummond, Chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan của Quân đội Anh, cho biết việc giữ cho xe tăng luôn sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi không chỉ đào tạo kíp lái mà còn đào tạo mọi người trong chuỗi cung ứng để luôn sẵn sàng hỗ trợ họ. Xe tăng Đức được thiết kế để các binh lính nghĩa vụ có thể dễ dàng bảo dưỡng, giúp Leopard 2 có lợi thế hơn M1 Abrams và Challengers. "Lính nghĩa vụ có ít thời gian hơn để học nên một thiết kế đơn giản hơn như Leopard 2 giúp giảm khả năng mắc lỗi có thể xảy ra trong khi bảo trì", ông Drummond nói thêm.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, một trong những rào cản kế hoạch chiến đấu của Kiev là vẫn chưa rõ liệu Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu chiếc xe tăng Leopard 2. Theo một số nguồn tin, Ukraine có thể chỉ nhận được 2/3 yêu cầu của mình, tức khoảng 100- 200 xe tăng.

Bên cạnh đó, thời điểm giao các loại xe tăng cũng không rõ ràng. Berlin cho biết rằng những chiếc Leopard 2 đầu tiên từ Đức có thể được triển khai ở Ukraine trong hai tháng nữa, nhưng cũng có thông tin cho rằng việc chuyển giao có thể sẽ diễn ra vào tháng 4 tới.

Hiện nay, quân đội Ukraine muốn thực hiện các cuộc tấn công sớm hơn bởi những cơn mưa theo mùa sẽ làm tan băng khiến việc di chuyển của binh lính và thiết giáp hạng nặng trở nên khó khăn hơn. Nếu các xe tăng chiến đấu không có mặt ở Ukraine trước tháng 4, Kiev có thể không đối phó với một cuộc tấn công mới bất ngờ của Nga. 

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, điều thực sự quan trọng là chiến thuật chiến đấu có ưu việt hay không. Đây là điều mà Mỹ và phương Tây cần hỗ trợ thêm cho Ukraine để thay đổi cục diện chiến sự Nga- Ukraine trong thời gian tới. 

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao phương Tây cấp “bảo bối” cho Ukraine?

    Vì sao phương Tây cấp “bảo bối” cho Ukraine?

    04:30, 27/01/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Sắp có cuộc chiến lớn xảy ra

    Chiến sự Nga- Ukraine: Sắp có cuộc chiến lớn xảy ra

    04:00, 27/01/2023

  • Yếu tố nào sắp làm đảo chiều chiến sự Nga- Ukraine?

    Yếu tố nào sắp làm đảo chiều chiến sự Nga- Ukraine?

    04:00, 26/01/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Ba yếu tố tác động đến cục diện

    Chiến sự Nga - Ukraine: Ba yếu tố tác động đến cục diện

    04:30, 25/01/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga

    Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" trừng phạt ra sao?

    04:00, 25/01/2023

CẨM ANH