Mỹ đã “thất thế” kiềm chế Trung Quốc?
Phán quyết mới đây từ WTO về tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như là một tín hiệu cho thấy sự thất thế trong chính sách kiềm chế Bắc Kinh của Washington.
>> Vấn đề hóc búa của ông Joe Biden trong quan hệ với Trung Quốc
Chiến lược thiếu hiệu quả
Ngày 26/01, phán quyết của WTO đã cho phép Trung Quốc áp đặt mức thuế phạt 645 triệu USD với Mỹ. Động thái này liên quan đến tranh cãi về thuế chống trợ cấp của Mỹ đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2012 trị giá 7,3 tỉ USD.
Mỹ đã ngay lập tức kháng cáo và đòi cải tổ lại WTO. Đáp lại, ông Lý Thành Cương, Đại sứ Trung Quốc tại WTO, đã gọi Mỹ là “một kẻ bắt nạt đơn phương” tại cuộc họp ngày 27/01.
Nếu nhìn lại năm 2011 - thời điểm Tổng thống Barack Obama khởi động sáng kiến Xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc - hẳn nhiều nhà phân tích có thể nói rằng hiệu quả của nó đã không được như mong muốn.
Sau hơn 10 năm bị Mỹ kiềm chế, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc. Quy mô kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp 3 so với 2008, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ. Sức mạnh kinh tế dần trở thành tiền đề cho tham vọng chính trị của Bắc Kinh trên bàn cờ thế giới. Tính đến cuối 2020, Sáng kiến Vành đai Con đường đã hiện diện tại 125 quốc gia, vươn tới cả những nơi từng là sân nhà của Mỹ như Mỹ - Latinh hay Châu Phi.
Trên mặt trận ngoại giao, giới chức Trung Quốc không ngần ngại lớn tiếng chỉ trích Mỹ trên các diễn đàn quốc tế. Thậm chí, một số chỉ huy quân sự còn đe dọa sử dụng vũ lực nếu Mỹ vượt qua các “giới hạn đỏ” về an ninh quốc gia như Đài Loan hay Hồng Kông.
Ông Henry Paulson, Giám đốc Viện Paulson, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho rằng: “Với những người đang lo sợ Mỹ thua trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, họ nên lo lắng nguy cơ đó trở thành hiện thực nếu nhìn vào các hành động của Mỹ.”
Những liên minh lỏng lẻo
Mỹ từ lâu đã cố gắng tổ chức một liên minh gồm các quốc gia có cùng chí hướng, đặc biệt là các nền dân chủ ở Châu Á và Châu Âu, nhằm gây sức ép và làm đối trọng với Trung Quốc. Thế nhưng, không phải quốc gia nào cũng đủ mạnh và cứng rắn để đi theo cách tiếp cận của Mỹ.
Vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, quy mô thị trường khổng lồ và các ràng buộc kinh tế khác khiến giải quyết quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trở thành một vấn đề nan giải cho nhiều quốc gia.
“Mỹ có thể thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ nhạy cảm, xem xét và ngăn chặn các khoản đầu tư của Trung Quốc, hay chỉ trích các chính sách kinh tế và quân sự của Bắc Kinh. Nhưng các đối tác chiến lược thân cận nhất của Washington cũng không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc”, ông Henry Paulson cho biết.
Thậm chí, nhiều quốc gia còn đi ngược lại những mong muốn của Washington. Năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Cả kim ngạch xuất nhập khẩu của EU với Trung Quốc đều tăng vào năm 2022.
>> “Mặt trận mới” trong quan hệ Mỹ - Trung
Thậm chí, Trung Quốc còn vươn tới những nơi từng được coi là sân nhà của Mỹ. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt mức cao lịch sử vào năm 2021. Saudi Arabia, đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Trung Đông, chọn Huawei là đối tác chính trong kế hoạch cải cách Tầm nhìn 2030 liên quan tới trí tuệ nhân tạo và dịch vụ đám mây. Indonesia, quốc gia mà Washington ra sức gây ảnh hưởng để làm đối trọng với Trung Quốc, cũng chọn Huawei cho các giải pháp an ninh mạng và hệ thống chính phủ.
Các chính sách nặng tính bảo hộ
Trong khi Mỹ gây sức ép lên các đồng minh để theo đuổi chiến lược “không Trung Quốc”, cường quốc Đông Á cũng có sẵn cho mình chiến lược đối phó “bang giao rộng khắp, trừ Mỹ”.
Con đường ngắn nhất là các hiệp định thương mại mà Mỹ đã bỏ ngỏ. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là CPTPP). 6 năm sau, Bắc Kinh đã nộp đơn xin tham gia hiệp định này.
Trung Quốc cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hay đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số. Chưa kể nước này cũng đang nâng cấp hoặc khởi xướng các hiệp định thương mại tự do mới với các quốc gia, trải dài từ Nam Mỹ (Ecuador) cho đến Châu Đại Dương (New Zealand). Kết quả, năm 2021, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có nền thương mại lớn nhất thế giới, giao dịch với gần 2/3 các quốc gia trên thế giới.
Trong khi đó, để bảo vệ lĩnh vực công nghệ đang bị Trung Quốc đe dọa, Mỹ theo đuổi các chính sách bao vây cứng rắn. Một loạt các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei, Alibaba hay ByteDance bị đặt vào tầm ngắm, dẫn đến việc bị hạn chế mua công nghệ mới hay tiếp cận dữ liệu của Mỹ.
Washington cũng tiếp tục theo đuổi các chính sách thương mại “lấy công nhân làm trung tâm” mang nặng tính bảo hộ. Điển hình là Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá hơn 369 tỉ USD có hiệu lực hồi tháng 8 năm ngoái cung cấp những ưu đãi hấp dẫn nhằm thúc đẩy ngành ô tô điện của Mỹ. Dù vậy, chính sách này vẫn chỉ được coi như một giải pháp tạm thời nhằm ứng phó với ngành công nghiệp xe điện phát triển như vũ bão của Trung Quốc.
Tại thời điểm này, Mỹ đã thành công trong việc kiểm soát các công nghệ nhạy cảm nhất không rơi vào tay Trung Quốc. Thế nhưng theo ông Henry Paulson, một chiến lược với tiền đề là làm suy yếu lĩnh vực công nghệ đang phát triển của Trung Quốc sẽ khiến nó khó thành công hơn và gây những tổn thất ngược cho Mỹ.
“Những nỗ lực nhằm ngăn chặn Trung Quốc chắc chắn sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc, nhưng chúng cũng sẽ gây tổn hại cho Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ bị đặt vào thế bất lợi về cạnh tranh rất lớn và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá”, ông cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ trừng phạt Trung Quốc trên Biển Đông
06:33, 21/10/2021
Mỹ trừng phạt công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc
05:08, 28/09/2020
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung: Các ngành kinh doanh xuất nhập khẩu trong lợi có rủi
12:39, 24/10/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Việt Nam có nên tận dụng xuất khẩu sang thị trường Mỹ?
11:05, 26/09/2018