Ngành bán lẻ Mỹ có nguy cơ thoái trào
Ngành bán lẻ Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái sau giai đoạn bùng nổ thời Covid-19. Đây không phải là tín hiệu vui cho ngành xuất khẩu Việt Nam.
>> Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ
Trong suốt 3 năm đại dịch Covid-19, các nhà bán lẻ Mỹ là những người thắng cuộc hiếm hoi. Nhu cầu mua sắm online bùng nổ khi người dân phải tạm dừng các hoạt động thường nhật, bị phong tỏa hoặc hạn chế đi lại. Nhiều công ty bán lẻ đã gia tăng quy mô một cách đáng kể để đáp ứng nhanh nhất cơn sóng đó. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang kết thúc.
Trong thời kỳ đầu của dịch Covid-19, nhiều người Mỹ vội vã mua sắm hàng hóa để chuẩn bị cho các đợt phong tỏa. Nhưng nay quá trình này đã chậm lại, nhất là các mặt hàng như quần áo và đồ nội thất. Xu hướng này càng trầm trọng hơn trong bối cảnh lạm phát phi mã khiến người tiêu dùng Mỹ thắt chặt các chi tiêu khác ngoài các mặt hàng thiết yếu.
Hoạt động kinh doanh bết bát khiến một loạt các nhà bán lẻ Mỹ bắt đầu tham gia cuộc đua sa thải nhân sự. Tuần trước, Wayfair thông báo sẽ cắt giảm 1.750 nhân sự, tương đương 10% tổng nhân sự của công ty. Đáng kể nhất là gã khổng lồ Amazon với kế hoạch sa thải 18.000 người, trong đó chủ yếu là nhân sự ở bộ phận bán lẻ, theo tờ New York Times.
Theo các chuyên gia, việc đóng cửa các cửa hàng và sa thải không còn là một điều bất thường. Nó giống như một sự thay đổi về cấu trúc khi ngành bán lẻ phải điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng vừa qua.
Doanh thu bán lẻ trong suốt các mùa lễ mua sắm quan trọng tại Mỹ năm 2022 đều giảm mạnh hơn sau một năm. Với công ty Nordstrom, doanh số 9 tuần cuối 2022 giảm 3,5% so với cùng giai đoạn năm ngoái. Đại diện của chuỗi Macy’s cũng thừa nhận sức mua năm 2022 yếu hơn so với kỳ vọng.
Nhiều nhà bán lẻ Mỹ đang chuyển từ thu hút khách hàng mới sang giữ chân các khách hàng thân thiết. Điều này có nghĩa giới đầu tư sẽ ít chứng kiến các khoản đầu tư khổng lồ hoặc mang tính đột phá trong lĩnh vực này.
>> Suy thoái rập rình, phải mất 6 tháng đến 1 năm để kiểm chứng
Năm 2023 cũng là thời điểm các nhà bán lẻ đánh giá lại hiệu quả và năng lực thương mại điện tử phù hợp. Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, doanh số bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử đã bùng nổ khi các cửa hàng vật lý phải đóng cửa. Nhưng hiện nay, thương mại điện tử đang bắt đầu có tín hiệu thoái trào.
Trong quý 3/2022, lưu lượng thương mại điện tử ở Bắc Mỹ đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Bloomberg. Tỉ lệ chuyển đổi – dùng để đo lường sức mua của người dùng sau khi xem một quảng cáo – cũng đã giảm 12% so với năm 2021.
Với việc lạm phát vẫn cao và FED chưa có tín hiệu dừng tăng lãi suất, những tháng tới đây được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn đối với các nhà bán lẻ. Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia dự báo các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các bước để cắt giảm chi phí, một trong số đó là cắt giảm nhân sự.
Sự sụt giảm của ngành bán lẻ Mỹ đầu năm 2023 không phải là một tín hiệu vui đối với Việt Nam. Bởi vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022 với các mặt hàng chủ lực thuộc về hàng tiêu dùng và nội thất. Một khi nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ giảm sút, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ giảm khoảng 10% vào cuối 2023 khi nhu cầu mua sắm của Mỹ giảm sút.
“Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang đè nặng lên nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam như ti vi, đồ nội thất và điện thoại thông minh”, ông Kokalari nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Nỗi ám ảnh kinh tế Mỹ
03:17, 09/04/2022
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ V): 5 vấn đề đặt ra với kinh tế Mỹ
03:24, 03/02/2022
FED “đốt nóng” kinh tế Mỹ như thế nào?
06:00, 28/07/2021
Bà Janet Yellen: Lãi suất cao tốt cho kinh tế Mỹ và cho Fed
10:25, 07/06/2021
Cơ hội từ đà phục hồi kinh tế Mỹ
05:30, 21/03/2021