Nga sắp “đánh lớn”, Ukraine xoay xở ra sao?
Nhiều chuyên gia cho rằng, Nga sắp mở cuộc tấn công lớn ở Ukraine. Nếu Ukraine không yêu cầu Mỹ và phương Tây viện trợ vũ khí tối tân hơn, thì sẽ khó chiến thắng.
>> Chiến sự Nga - Ukraine: Nga sắp "chơi lớn" ở Ukraine
Khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những mục tiêu đầy tham vọng đối với Ukraine. Tuy nhiên, sau gần một năm, Nga được đánh giá là đã không đạt được mục tiêu chính nào của mình. Thay vào đó, Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc phản công và giành lại nhiều phần lãnh thổ của mình.
Ukraine có được thành quả này một phần nhờ phản ứng thống nhất của Mỹ và phương Tây trên nhiều phương diện. NATO mở rộng và tăng cường phòng thủ phía đông. Châu Âu đã cung cấp nơi trú ẩn và một lượng lớn hỗ trợ quân sự và kinh tế với tốc độ đáng kinh ngạc, kết hợp với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, ông Putin không có dấu hiệu muốn chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine. Thay vào đó, ông đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công lớn trong năm nay.
Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp BFM hôm 2/2, ông Reznikov- Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho rằng, quân số thực tế của Nga ở khu vực biên giới khoảng gần 500.000 người. Theo ông Reznikov, lực lượng lớn của Nga có thể tấn công quy mô lớn ở mặt trận miền Đông và miền Nam Ukraine trong khoảng thời gian trước hoặc vào ngày 24/2 tới (thời điểm đánh dấu 1 năm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt).
Ông Michael McFaul, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford, cho rằng đây là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây cần thay đổi cách tiếp cận cuộc xung đột, nên hướng tới hỗ trợ một bước đột phá hơn, như cần nhiều vũ khí tối tân hơn, nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga và nhiều viện trợ kinh tế hơn cho Ukraine. Các biện pháp này cần được thực hiện nhanh chóng để Ukraine có thể giành chiến thắng quyết định trên chiến trường năm nay. Nếu không, chiến sự Nga- Ukraine sẽ đi vào bế tắc.
>> Lý do Mỹ và phương Tây ngại viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine
Bước quan trọng nhất mà Mỹ và các đồng minh NATO có thể thực hiện trong năm nay là cung cấp cho Ukraine vũ khí. Đầu năm nay, Mỹ, Pháp và Đức đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine các phương tiện chiến đấu bộ binh, bao gồm M2 Bradley và Strykers, AMX-10 RC và Marder. Đặc biệt, Vương quốc Anh quyết định cung cấp hàng chục xe tăng Challenger II và 30 pháo tự hành AS-90 155mm cho Ukraine. Ngoài ra, Mỹ đã đưa ra quyết định vào tuần trước để cung cấp cho Ukraine vài chục xe tăng M1 Abrams, mở đường cho Đức và các nước châu Âu khác gửi xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự hỗ trợ này không nên dừng lại ở đó, Ukraine cần nhiều hơn. Ukraine cần nhiều Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và nhiều loại đạn Hệ thống tên lửa phóng đa hướng (GMLR). Nếu không có thêm HIMARS, thì Mỹ nên gửi Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần M270. Số lượng xe tăng được công bố cho đến nay là đáng kể nhưng vẫn còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt xe tăng Abrams sẽ mất nhiều tháng để chế tạo, huấn luyện và triển khai.
Ngoài số lượng vũ khí lớn hơn, ông Michael McFaul cho rằng Mỹ và các đồng minh nên nâng cấp chất lượng vũ khí. Đứng đầu danh sách này phải là hệ thống tên lửa tầm xa có tên ATACMS bắn các tên lửa tầm xa hơn 300 km. Việc cung cấp vũ khí tấn công tầm xa có thể là yếu tố thay đổi trong cuộc tấn công của Ukraine vào mùa xuân này.
“Quân đội Ukraine cũng cần có khả năng tấn công trên không mạnh mẽ hơn. Các phi công Ukraine cũng nên bắt đầu được huấn luyện lái máy bay chiến đấu F-16 để chuẩn bị cho các cuộc chiến quyết liệt hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cần ký một thỏa thuận ràng buộc pháp lý để không sử dụng những vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga”, ông Michael McFaul nhấn mạnh.
Cũng theo ông Michael McFaul, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và phương Tây nên được áp dụng để cắt đứt tất cả các công nghệ quan trọng hỗ trợ chiến tranh của Nga, từ bộ vi xử lý cho đến tất cả các dạng công nghệ thông tin nhập khẩu…
Ngay sau khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng ông Putin sẽ xem việc Mỹ và phương Tây cung cấp các loại vũ khí tấn công nói trên là hành động leo thang chiến tranh. Tuy nhiên, theo ông Michael McFaul, việc leo thang chiến sự Nga- Ukraine khó diễn ra. Khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine cũng rất khó xảy ra vì nó sẽ không phục vụ mục tiêu chiến trường rõ ràng nào. Biện pháp này cũng sẽ không ngăn được người Ukraine chiến đấu. Đặc biệt, sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine cũng sẽ tạo ra sự phản đối lớn hơn đối với chiến tranh trên khắp thế giới.
Trong khi đó, Nga cũng đã và đang tìm cách hóa giải các lệnh trừng phạt, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp vũ khí mới để đối phó với Mỹ và phương Tây ở Ukraine. Do đó, chiến sự Nga- Ukraine sẽ còn kéo dài. Nếu chiến sự Nga- Ukraine kéo dài trong nhiều năm, thì Ukraine sẽ có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây.
“Nếu chiến sự Nga- Ukraine kéo dài đến cuối năm nay mà không có chiến thắng lớn nào ở Ukraine, thì chính quyền Biden sẽ gặp nhiều khó khăn để được Quốc hội gia hạn gói hỗ trợ kinh tế và quân sự mới cho Ukraine, đặc biệt là khi cuộc bầu cử Tổng thống đang nóng lên”, ông Michael McFaul nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Khoảng lặng trong tâm bão
04:10, 03/02/2023
Nguy cơ chạy đua vũ trang hậu chiến sự Nga - Ukraine
04:30, 01/02/2023
Nga đã chọn kịch bản kết thúc chiến sự Nga - Ukraine?
04:30, 31/01/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Crimea có thể là mục tiêu tiếp theo của Ukraine
04:00, 31/01/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn nguy cơ đối đầu NATO- Nga
04:00, 29/01/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn hiểm từ xe tăng thế hệ mới
04:00, 28/01/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Sắp có cuộc chiến lớn xảy ra
04:00, 27/01/2023
Yếu tố nào sắp làm đảo chiều chiến sự Nga- Ukraine?
04:00, 26/01/2023