Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc

CẨM ANH 09/02/2023 04:30

Mỹ đã cùng với Nhật Bản và Hà Lan thắt chặt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với một số thiết bị và công nghệ sản xuất chip.

>>Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Khởi nguồn từ chất bán dẫn

Trung Quốc đối mặt với áp lực nặng nề khi Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan siết chặt kiểm soát xuất khẩu. Ả

Trung Quốc đối mặt với áp lực nặng nề khi Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan hạn chế khả năng tiếp cận với những thiết bị và công nghệ sản xuất chip.

Đầu năm 2023, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản về hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Thỏa thuận trên sẽ mở rộng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại chip mà Mỹ đã thông qua vào tháng 10/2022 cho các công ty có trụ sở tại hai quốc gia này, bao gồm công ty ASML Holding NV, Nikon Corp và Tokyo Electron Ltd.

Ngay sau đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden xem xét cân nhắc loại nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies Co khỏi tất cả các nhà cung cấp tại Mỹ sau nhiều năm công ty này bị Washington đưa vào danh sách đen thương mại.

Báo cáo của Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế (CISS) cho biết: “Mỹ sẽ tận dụng tối đa sự khác biệt về ý thức và những lo ngại về an ninh để thuyết phục các đồng minh của mình áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc”. Báo cáo này cũng cho biết thêm, dự kiến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thậm chí có thể mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ sinh học, nhiên liệu sạch, hệ thống hạt nhân và chăm sóc sức khỏe.

Tương tự, theo các nhà phân tích, mối quan hệ đối tác mới giữa Mỹ và Ấn Độ - nhắm vào chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và viễn thông có thể đẩy nhanh quá trình tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu gây bất lợi cho Trung Quốc.

Thông tin chi tiết về Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi (iCET), được công bố gần đây cũng bao gồm kế hoạch hợp tác trong điện toán lượng tử và quốc phòng. Dù Trung Quốc không được đề cập trong tài liệu, nhưng thỏa thuận giữa Washington và New Delhi được coi là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

>>Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn

phòng thí nghiệm bán dẫn tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Phòng thí nghiệm bán dẫn tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù Mỹ đã thực hiện các bước để ngăn chặn sự phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng họ đã cam kết hỗ trợ “sự phát triển của hệ sinh thái thiết kế, sản xuất và chế tạo chất bán dẫn ở Ấn Độ” và giúp quốc gia Nam Á này phát triển lực lượng lao động lành nghề để đóng một vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp chip toàn cầu – một sự phát triển mà các nhà phân tích cho rằng có thể làm suy yếu vị thế của Trung Quốc.

Ông Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình Châu Á và cộng sự cấp cao về Nam Á tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết: “Về nguyên tắc, iCET có thể mang lại cho Ấn Độ những sản phẩm và kiến thức chuyên môn cần thiết để củng cố lĩnh vực công nghệ của họ, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn… Trong khi đó, Mỹ sẽ có được một đối tác đáng tin cậy cho chuỗi sản xuất và cung ứng".

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, có khả năng nỗ lực của Mỹ sẽ kìm hãm ngành bán dẫn của Trung Quốc nhưng chỉ  trong một khoảng thời gian nhất định.

Hiện nay, để đối mặt với áp lực nặng nề hiện nay, các công ty bán dẫn Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua nỗ lực tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp ở đại lục, Nhật Bản và châu Âu, nhưng chiến lược đa dạng hóa nguồn cung thất bại khi Washington mở rộng sang hạn chế khả năng tiếp cận những công nghệ sản xuất chip tiên tiến.

Mặt khác, ông Alan Estevez, Thứ trưởng phụ trách công nghiệp và an ninh của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết nếu các đồng minh của Mỹ không áp dụng các biện pháp hạn chế đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc tương đương với các biện pháp kiểm soát của Mỹ, thì các lệnh hạn chế sẽ không có hiệu quả.

Chuyên gia này cũng chỉ ra, thị phần của các công ty sản xuất thiết bị Mỹ trên thị trường Trung Quốc đã bị giảm mạnh trong hai năm qua. "Doanh số bán hàng bị sụt giảm này đã chuyển từ các doanh nghiệp Mỹ sang các công ty từ các quốc gia không bị ràng buộc bởi các biện pháp hạn chế từ Mỹ. Nếu Mỹ tăng cường các biện pháp kiểm soát đơn phương, hàng tỷ đô la doanh thu lẽ ra thuộc về các công ty Mỹ, sẽ chuyển sang các đối thủ cạnh tranh", ông Estevez nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến thu gom thế giới - Bài 1: Sức mạnh chất bán dẫn

    Cuộc chiến thu gom thế giới - Bài 1: Sức mạnh chất bán dẫn

    06:00, 25/05/2021

  • Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn

    Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn

    10:00, 13/04/2021

  • “Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô

    “Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô

    03:47, 26/01/2021

  • Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Khởi nguồn từ chất bán dẫn

    Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Khởi nguồn từ chất bán dẫn

    05:14, 26/09/2020

CẨM ANH