"Phao cứu sinh" giúp EU thoát suy thoái kinh tế
Cuộc chiến Nga – Ukraine là căn nguyên cho sự hỗn loạn của nền kinh tế Châu Âu suốt một năm qua, nhưng châu lục già dường như đã tìm ra một lối thoát.
>>Châu Âu vô hiệu hóa "vũ khí" năng lượng Nga
Trong chiến sự Nga – Ukraine, Nga tưởng chừng như đã thành công với kế hoạch “vũ khí hóa” năng lượng với châu Âu. Lạm phát tại khu vực có lúc lên 10,6% - cao nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Hàng trăm cuộc đình công, biểu tình lớn nhỏ khắp các quốc gia phản đối chi phí tăng cao. Do giá cả tăng phi mã, hàng trăm nghìn người tại châu Âu phải dựa vào các trung tâm nhu yếu phẩm giá rẻ để sống qua ngày – một điều tưởng chừng phi lý tại một trong những khu vực giàu có nhất thế giới. Các lãnh đạo châu Âu bị chia rẽ trong vấn đề Ukraine, người nhập cư và đối phó lạm phát.
Thế nhưng, dữ liệu đầu năm 2023 đang đem đến tia sáng cho nền kinh tế khu vực eurozone. Kinh tế EU đã tăng trưởng dương 0,1% trong 3 tháng cuối năm 2022. Qua giai đoạn đạt đỉnh hồi tháng 10, lạm phát cũng đã hạ nhiệt. Tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất chưa từng có, giá khí đốt đã quay lại mức trước chiến sự Nga- Ukraine.
Động lực chính cho tín hiệu tích cực này nằm ở việc Châu Âu đã "khắc chế" được chiến lược “vũ khí hóa” năng lượng của Nga.
Thứ nhất, thời tiết đã đứng về phía Châu Âu. Một mùa thu ấm áp và mùa đông ôn hòa khiến các quốc gia EU dễ dàng dự trữ nhiều khí đốt hơn và tiêu tốn năng lượng ít hơn. Các quốc gia trong khối thậm chí đã đạt mục tiêu trữ đầy 80% các kho chứa khí đốt trước thời hạn 01/11/2022. Điều này góp phần hạ giá khí đốt tại châu lục bất chấp việc bị Nga siết nguồn cung.
Bên cạnh đó, năng lượng từ gió và mặt trời cũng dồi dào. Năm 2022 là lần đầu tiên gió và mặt trời sản sinh ra nhiều điện hơn khí đốt và than đá tại châu Âu, theo tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember đưa ra vào tháng 01/2023. Sản xuất năng lượng mặt trời tăng nhanh nhất, với mức tăng kỷ lục (+24%) vào năm 2022, gần gấp đôi kỷ lục trước đó, giúp châu Âu tiết kiệm được 10 tỷ euro chi phí khí đốt. 26 nhà máy nhiệt điện được kích hoạt lại để đối phó với khủng hoảng chỉ hoạt động 18% công suất.
Thứ hai, kế hoạch tiết kiệm năng lượng của EU nhận được sự đóng góp lớn của công chúng. Vào mùa hè năm ngoái, ít nhà lãnh đạo nào tin rằng người dân châu Âu sẽ chấp nhận giảm bớt sử dụng thiết bị sưởi để bảo vệ an ninh năng lượng trước sức ép từ Nga. Nhưng thực tế, nhu cầu khí đốt đã giảm tới 24%. Một phần đến từ giá cả năng lượng cao đột biến ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền người dân. Phần khác đến từ yếu tố thời tiết ôn hòa hơn.
Thứ ba, Châu Âu đã có một kế hoạch tham vọng để thúc đẩy năng lượng tái tạo, và chiến sự Nga-Ukraine là liều thuốc kích thích các chương trình nhanh chóng đi vào hiện thực. Hơn 800 tỷ euro đã được chi ra để giải quyết vấn đề năng lượng và hạn chế tác động của việc tăng giá, thông qua các khoản bảo trợ dự án năng lượng tái tạo hay cắt giảm thuế đối với điện hoặc xăng. Đức là quốc gia bạo chi nhất với gần 270 tỉ euro - vượt trội so với tất cả các quốc gia khác. Anh, Italia và Pháp đứng sau với gần 150 tỉ euro mỗi nước. Các kế hoạch kinh tế xanh trước đây vốn chưa nhận được nhiều sự chú ý giờ trở thành "phao cứu sinh" cho nhiều nền kinh tế trong khối sau khi Nga siết nguồn cung năng lượng.
>>Châu Âu đối mặt mùa đông thiếu điện
Ngoài ra, EU cũng đã kịp thời đa dạng hóa nguồn cung khí hóa lỏng LNG cho nền kinh tế, với nguồn cung dồi dào từ Mỹ. Trong 11 tháng đầu 2022, châu Âu đã nhập khẩu từ Mỹ hơn 50 tỷ m3 khí, hơn gấp đôi tổng lượng nhập khẩu cả năm 2021. Các nguồn cung khác đến từ Na Uy, Algeria, Qatar hay Nigeria. Trong khi đó, lượng LNG từ Nga đã giảm xuống 12,9% từ mức 50% trước đó.
Những điều đó giúp cho nền kinh tế châu Âu “tránh được suy thoái trong gang tấc”, như Ủy viên phụ trách kinh tế của Ủy ban châu Âu Paolo Gentiloni tuyên bố vào ngày 15/2. Tăng trưởng GDP của châu Âu năm 2023 được dự báo đạt 0,9%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 0,3% trước đó. Lạm phát được kì vọng sẽ giảm xuống 5,6% trong năm nay, là một dấu hiệu để các ngân hàng trung ương xem xét nới lỏng các chương trình thắt chặt tiền tệ hiện có.
Tuy nhiên, triển vọng này vẫn rất mong manh trước các biến động chính trị và kinh tế trước mắt, sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và đoàn kết từ trong khối.
Có thể bạn quan tâm