Mỹ đứng trước "áp lực kép" Nga- Trung Quốc
Chuyến công du của Tổng thống Joe Biden tới Ukraine đang làm nổi bật kỷ nguyên mới của các cuộc đối đầu đan xen giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.
>>Nga đình chỉ NEW START, báo động căng thẳng Mỹ- Nga
Chuyến công du của Tổng thống Joe Biden tới Kiev và Warsaw đã củng cố sự ủng hộ đáng kể của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine trong chiến sự Nga- Ukraine.
Đáp lại, Tổng thống Putin đã đưa ra lời phản bác trong bài Thông điệp Liên bang, biến chiến sự ở Ukraine thành một cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại phương Tây. Ông Putin cho biết Nga sẽ không từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào đã kiểm soát ở Ukraine.
Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực quay trở lại sau ba năm thực thi chính sách zero COVID bằng một loạt các chuyến công du cấp cao của các quan chức Trung Quốc đến một loạt các khu vực trên thế giới. Mới đây, Bắc Kinh đã cử nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị tói châu Âu với nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với các nước phương Tây, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng sau sự kiện khinh khí cầu.
Giới quan sát nhận định, cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy sức ép đang dần một lớn hơn với Washington khi Nga rút khỏi Hiệp ước NEW START và sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều không bị ràng buộc trong một liên minh chính thức chống lại Mỹ, nhưng bằng cách hợp tác cùng nhau, Bắc Kinh và Moscow có thể thúc đẩy tham vọng của mình để làm suy giảm lợi ích và quyền lực của Washington.
>>Trục lợi ích mới từ chiến sự Nga - Ukraine
Bình luận viên Stephen Collinson của CNN phân tích, chuyến công du của ông Biden cũng cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, yếu tố sẽ định hình nền chính trị toàn cầu trong nhiều năm, dường như đã xuống mức thấp nhất.
Bất chấp việc nền kinh tế đang gặp khó khăn và Nga cũng thiếu nguồn lực để khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới với Washington, việc Nga đơn phương đình chỉ thực thi hiệp ước NEW START cùng cáo buộc của chính quyền Biden rằng Nga đã phạm tội ác chống lại loài người đã đảm bảo rằng quan hệ của Washington và Moscow sẽ không thể khôi phục ngay cả khi chiến tranh Ukraine kết thúc.
"Bất cứ lúc nào hai cường quốc hạt nhân hàng đầu không nói chuyện đều nguy hiểm. Điều này được thể hiện trong việc tại sao Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Washington sẵn sàng thảo luận về tình hình hạt nhân với Moscow bất kể điều gì khác đang xảy ra", ông Collinson nói.
Và trong khi Mỹ đang đối đầu với Nga ở Ukraine, cuộc khủng hoảng với Trung Quốc cũng leo thang khi Mỹ cảnh báo quốc gia này cung cấp cho Nga vũ khí mà họ có thể sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Theo ông Jacqueline Howard, nhà phân tích của ABC nhận định, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ không làm thay đổi cán cân chiến lược trên chiến trường, nhưng điều này sẽ tạo ra một sự thù địch mới trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng công khai nào cho thấy Trung Quốc đã cung cấp vũ khí sát thương cho Nga trong chiến sự Nga- Ukraine. Và ý tưởng về một liên minh chính thức giữa Nga và Trung Quốc chống lại Washington dường như vẫn khó xảy ra do Bắc Kinh có thể không sẵn sàng mạo hiểm với các biện pháp trừng phạt của Mỹ để gửi vũ khí cho Moscow.
Nhưng theo ông Howard, Trung Quốc cũng có thể quan tâm đến việc kéo dài cuộc chiến với niềm tin rằng điều đó có thể khiến Mỹ mất tập trung khỏi những khu vực khác tại châu Á. Đồng thời, một cuộc xung đột kéo dài cũng có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu sẽ tạo nhiều thuận lợi cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Và điều này cũng có thể kích động thêm bất đồng chính trị ở Washington, làm suy yếu khả năng của Tổng thống Biden trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình trên toàn cầu.
"Rắc rối đang bủa vây Washington. Nhưng nếu Tổng thống Biden có thể lật ngược thế cờ, đây sẽ là một chiến thắng lớn cho ông trong cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024", chuyên gia này đánh giá.
Có thể bạn quan tâm