Trung Quốc đã làm gì để giúp đỡ Nga?
Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc tiếp tục là nhân tố hỗ trợ lớn cho Nga trong việc giảm tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
>>Mỹ đứng trước "áp lực kép" Nga- Trung Quốc
Trung Quốc, quốc gia đã tuyên bố tình hữu nghị “không có giới hạn” đối với với Nga, đã mang lại cho Điện Kremlin một huyết mạch kinh tế, làm giảm tác động của việc trục xuất nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Với vai trò người mua hàng hóa lớn nhất thế giới và là một cường quốc tài chính và công nghệ, Trung Quốc đã và đang tận dụng nhiều lợi thế để hỗ trợ nền kinh tế Nga.Nga đã và đang chịu các lệnh trừng phạt lớn của phương Tây bao gồm ngưng mua bán dầu và áp giá trần với dầu thô, từ chối quyền truy cập vào SWIFT... Những động thái này nhằm mục đích làm suy yếu khả năng tài trợ cho chiến tranh của Nga.
Mặc dù điều này có những tác động chậm hơn mong đợi của phương Tây, nhưng nó cũng đã có một tác động nhất định. Theo ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Nga đã rơi vào tình trạng suy thoái vào năm 2022 với mức tăng trưởng âm 4,5%.
Nhưng nguồn thu tài khóa của Moscow tăng lên, theo dữ liệu từ chính phủ Nga. Điều đó chủ yếu nhờ giá năng lượng cao và những nỗ lực của Nga để định tuyến lại xuất khẩu dầu đến những người mua khác, như Trung Quốc và Ấn Độ.
"Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ sự ủng hộ về mặt kinh tế với Nga khi các nước phương Tây liên tiếp đưa ra những biện pháp trừng phạt", ông Neil Thomas, chuyên gia phân tích cao cấp của Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Tập đoàn Eurasia cho biết.
Chuyên gia này đánh giá, trong trường hợp tình trạng bị cô lập của Moscow kéo dài sẽ cho phép Bắc Kinh phát huy thêm đòn bẩy để có thể mua bán năng lượng với giá ưu đãi, công nghệ quân sự tiên tiến và hỗ trợ ngoại giao cho Trung Quốc.
Tổng giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2022, tăng 30% lên 190 tỷ USD kể từ khi bắt đầu chiến sự Nga- Ukraine. Trung Quốc đã mua một lượng lớn dầu thô từ Nga, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga cũng tăng 54% lên mức 10 tỷ USD. Hoạt động mua bán khí tự nhiên bao gồm Gas Pipeline và LNG tăng vọt 155% đến 9,6 tỷ USD.
Ông Thomas nói, điều này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với Nga, quốc gia này rất cần khách hàng mới sau khi bị các nước phương Tây giảm mua bán. Đối với Trung Quốc, sau khi tái mở cửa trở lại sau thời gian dài thực thi chính sách zero COVID, nước này cũng đang cần nguồn năng lượng giá rẻ để cung cấp cho ngành sản xuất khổng lồ của mình.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Thế khó xử của Trung Quốc
Hai nước đang lên kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới, bao gồm một thỏa thuận giữa Gazprom (GZPFY) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.
Bên cạnh đó, Nga cũng được cho là đã chi hàng tỷ USD vào việc mua máy móc, điện tử, kim loại cơ sở, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc. Trên thực tế, Nga cũng cần tìm các sản phẩm thay thế cho hàng nhập khẩu từ các thị trường phương Tây, chẳng hạn như xe hơi và điện tử. Và Trung Quốc là một sự lựa chọn hợp lý với năng lực sản xuất công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Các thương hiệu xe hơi Trung Quốc, bao gồm Havel, Chery và Geely, đã chứng kiến thị phần của họ tại Nga tăng vọt từ 10% lên 38% trong một năm sau khi các thương hiệu phương Tây rời đi. Con số này có thể sẽ tăng mạnh hơn nữa trong năm nay.
Với lượng dự trữ Nhân dân tệ tương đối lớn, Moscow có thể sử dụng Nhân dân tệ để ổn định đồng Rúp và thị trường tài chính của quốc gia này. Đồng Rúp đã giảm hơn 40% so với đồng euro và đồng USD trong năm qua. Tuy nhiên, theo truyền thông phương Tây đưa tin, Unionpay, hệ thống thanh toán của Trung Quốc, đã ngừng chấp nhận thẻ do các ngân hàng Nga phát hành do lo ngại về các lệnh trừng phạt quốc tế.
Giới quan sát nhận định, sự ủng hộ kinh tế của Trung Quốc với Nga sẽ diễn ra thận trọng hơn trong năm nay khi các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang cảnh giác về các biện pháp trừng phạt thứ cấp; cũng như thận trọng trong việc giao thương với các thực thể Nga hoặc với thị trường Nga nói chung để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Thấy gì từ đề xuất 12 điểm của Trung Quốc?
04:00, 01/03/2023
Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc gia tăng vì căng thẳng Mỹ- Trung
04:00, 28/02/2023
Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?
12:00, 27/02/2023
“Soán ngôi” Mỹ, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
04:45, 01/03/2023