Chiến sự Nga- Ukraine: Ukraine trước nguy cơ thiếu hụt đạn pháo

TRƯỜNG ĐẶNG 02/03/2023 04:00

Số đạn mà quân đội Ukraine bắn trong một tháng đã bằng sản lượng đạn ngành quốc phòng Mỹ làm ra trong một năm.

Thiếu đạn là hệ quả từ một loạt các vấn đề trong ngành quốc phòng Mỹ và châu Âu

Thiếu đạn là hệ quả từ một loạt các vấn đề trong ngành quốc phòng Mỹ và châu Âu

>>Chiến sự Nga- Ukraine: "Báo động đỏ" thiếu hụt vũ khí ở Ukraine

Hiện tại, Mỹ có thể sản xuất khoảng 180.000 quả đạn 155mm mỗi năm, trong khi châu Âu sản xuất khoảng 300.000 quả. Thế nhưng, con số đó chỉ đủ cho Ukraine tiêu thụ trong 3 tháng giao tranh. Đó là thông tin được chia sẻ bởi chuyên gia Bastian Giegerich của CSIS. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức Mỹ bắt đầu phải gửi lựu pháo 105 mm tầm ngắn để bù đắp cho sự thiếu hụt đạn cỡ lớn hơn. Đâu là nguyên nhân của sự bất thường này?

Thái độ chủ quan của các nước

Suốt nhiều năm qua, Mỹ đã không phải đối mặt với bất cứ cuộc chiến tranh cường độ cao nào. Dù Mỹ vẫn can thiệp quân sự, nhưng Iraq, Taliban hay Nhà nước Hồi giáo (IS) đều là những đối thủ quân sự không xứng tầm. Điều đó dẫn đến việc chính phủ Mỹ và châu Âu ít chú ý đến dự trữ đạn dược.

Mặc dù các lãnh đạo Mỹ và phương Tây thường tuyên bố về nguy cơ an ninh tiềm tàng của Nga hay Trung Quốc trong tương lai, nhưng họ thực sự làm rất ít để chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao như hiện nay.

Vấn đề nằm ở chỗ, đã có những tín hiệu về việc thiếu hụt vũ khí trong suốt nhiều năm ở Mỹ và châu Âu. Năm 2011 tại Lybia, các nước châu Âu đã hết bom thông minh trong vài tuần và phải trông cậy vào Mỹ. Đến chiến dịch tấn công IS tại Syria và Iraq, Mỹ cũng cạn kiệt loại bom này.

Ông Francis Tusa, biên tập viên của Defense Analysis, cho rằng các nước châu Âu trong NATO có lẽ chỉ còn 10% lượng đạn dược sau 1 năm chiến sự ở Ukraine. Nhưng để cải thiện điều đó sẽ cần một chi phí khổng lồ.

Ước tính chi phí xây dựng kho dự trữ của Đức để trang trải cho 30 ngày chiến tranh cường độ cao sẽ là 20 tỷ euro. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết chi thêm 100 tỷ euro cho quốc phòng trong những năm tới, nhưng không khoản nào trong số đó được dành cho đạn dược.

Trong khi đó, quá trình chế tạo vũ khí của Mỹ không hề đơn giản. Ngay cả các vỏ đạn cũng phải trải qua các quá trình sản xuất và giám sát nghiêm ngặt để đạt được tiêu chuẩn tối ưu. Ông Rich Hansen, giám sát nhà máy Scranton, cho biết “bất cứ sự không hoàn hảo nào cũng có thể khiến đường đạn đi lệch mục tiêu”. Đây chỉ là một trong số hơn một chục bộ phận khác nhau để sản xuất ra một quả đạn pháo sẵn sàng khai hỏa. Do đó, việc nâng cao sản lượng sản xuất đạn hiện đang trở nên khó khăn “một cách đáng kinh ngạc”.

Thách thức đè nặng 

Trước nhu cầu tăng đột biến, các nhà thầu quốc phòng hiện đang đốc thúc để tăng sản lượng, nhưng để làm được ngay lập tức là điều vô cùng khó khăn.

Ông James Taiclet, CEO của Lockheed Martin - tập đoàn quốc phòng lớn nhất của Mỹ, thừa nhận: “Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ được thiết kế để đạt hiệu quả tối đa khi sản xuất trong thời bình. Điều đó có nghĩa là các nhà thầu thường chỉ có khả năng chế tạo đạn dược với tốc độ cần thiết để thay thế những loại đã sử dụng trong quá trình huấn luyện”.

Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự mong manh trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp quốc phòng ở Mỹ và châu Âu. Không phải các nhà thầu lớn, khó khăn thường liên quan đến các công ty thứ cấp – thường là những doanh nghiệp nhỏ nhưng có chuyên môn cao. Nói cách khác, những chi tiết cụ thể trong vũ khí thường chỉ do một hoặc hai công ty sản xuất, khiến việc nâng sản lượng gặp rất nhiều rào cản: giấy chứng nhận đặc biệt, thiếu lao động, chất bán dẫn, thành phần phụ…

Các công nghệ cũ cũng là một vấn đề gây đau đầu. Ví dụ, Mỹ thiếu máy móc ở mức thô sơ để rèn hoặc gia công vỏ đạn pháo 155mm; thuốc nổ IMX101 chỉ được sản xuất tại một nhà máy duy nhất ở Mỹ, hay những con chip cũ hơn có thể đã ngừng sản xuất. Hoặc nếu một nhà sản xuất giá đỡ tên lửa ngừng kinh doanh, thì nhà cung cấp mới phải được chứng nhận và sản phẩm của họ phải được kiểm tra tính tương thích với một loạt các chi tiết khác.

Tăng sản lượng cho các loại vũ khí công nghệ cao như tên lửa Javelin là một thách thức lớn

Tăng sản lượng cho các loại vũ khí công nghệ cao như tên lửa Javelin là một thách thức lớn

>>Chiến sự Nga- Ukraine: Thực hư Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

Việc thiết lập dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng vũ khí mất nhiều thời gian hơn so với các mặt hàng dân dụng khác. Bất chấp nhu cầu tăng đột biến hứa hẹn những hợp đồng màu mỡ, những khí tài bổ sung sẽ không có sẵn cho đến năm 2024 hoặc thậm chí là năm 2028.

Các nhà thầu cũng rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi nhiều chính phủ vẫn chưa sẵn sàng ký các hợp đồng mua sắm khẩn cấp. Armin Papperger, ông chủ của tập đoàn Rheinmetall (Đức), cho biết sẵn sàng “cấp vốn trước” cho một số khoản đầu tư cần thiết để tăng tốc sản xuất đạn pháo và tên lửa, nhưng “có những giới hạn” nếu không có đơn đặt hàng chắc chắn.

Ông Bill LaPlante, Thứ trưởng phụ trách mua sắm của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ sẽ phải tính đến khả năng tiêu thụ số lượng vũ khí tăng đột biến này. “Chúng ta phải chấp nhận thực tế là những gì chúng ta đang sản xuất có thể sẽ không được sử dụng.”

Những giải pháp mơ hồ

Có một giải pháp để tăng cường năng lực sản xuất: Mỹ và các đồng minh hợp tác chặt chẽ hơn trong sản xuất chung. Theo đó, các quốc gia này có thể thiết lập các tiêu chuẩn chung để sản xuất vũ khí ở nhiều quốc gia hoặc cùng nhau phát triển vũ khí mới. Thế nhưng, kế hoạch này cũng đối mặt nhiều thách thức lớn.

Trước hết, thống nhất chính trị cho việc tiêu chuẩn hóa và mua sắm chung là rất khó khăn. Đây là vấn đề mà NATO đã lảng tránh từ lâu. Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), một cơ quan được thành lập năm 2004 để giúp các nước EU phát triển khả năng quân sự, lại không có thẩm quyền mà phải dựa trên sự đồng thuận. Hiện mới chỉ có khoảng 18% mua sắm quốc phòng của EU là có hợp tác chung.

Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng có xu hướng bảo vệ các công nghệ đặc biệt của họ. Sẽ khó có chuyện các nhà thầu quốc phòng tư nhân chấp nhận chia sẻ các bí quyết công nghệ quân sự trị giá hàng chục tỷ USD cho các đối thủ.

Tóm lại, nếu không thể tìm ra một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề, kết cục chiến sự Nga – Ukraine sẽ trở nên khó bất lợi cho Kiev khi Nga tăng cường chiến tranh tiêu hao. Vì vậy, việc lãnh đạo Pháp Đức khuyên Ukraine khởi động đàm phán hòa bình với Nga mới đây có thể là một động thái hòa hoãn hợp lý để các đồng minh có thể kịp bổ sung kho đạn cho Kiev.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga- Ukraine:

    Chiến sự Nga- Ukraine: "Hé lộ" bài học về sử dụng các loại vũ khí

    04:00, 16/01/2023

  • Đối phó với Nga, NATO đứng trước thách thức mới

    Đối phó với Nga, NATO đứng trước thách thức mới

    04:00, 27/02/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine: Thực hư Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

    Chiến sự Nga- Ukraine: Thực hư Trung Quốc chuyển vũ khí cho Nga?

    04:00, 24/02/2023

  • Kho vũ khí cạn kiệt, Mỹ và phương Tây

    Kho vũ khí cạn kiệt, Mỹ và phương Tây "hiến kế" cho Ukraine

    04:00, 23/02/2023

  • Chiến sự Nga- Ukraine:

    Chiến sự Nga- Ukraine: "Báo động đỏ" thiếu hụt vũ khí ở Ukraine

    03:30, 15/02/2023

TRƯỜNG ĐẶNG