Khó "lay chuyển" đà tăng lãi suất sắp tới của FED

TRƯỜNG ĐẶNG 16/03/2023 04:30

Bất chấp các lời kêu gọi ngưng tăng lãi suất sau các vụ đổ vỡ ngân hàng và lạm phát tiếp tục "hạ nhiệt", FED có lý do để kiên định với lộ trình tăng lãi suất.

Không có nhiều động lực để FED ngưng chương trình tăng lãi suất

Không có nhiều động lực để FED ngưng chương trình tăng lãi suất

Sự đổ vỡ hàng loạt của các ngân hàng chuyên về lĩnh vực công nghệ Mỹ đang gây ra những lo ngại lớn cho giới đầu tư và quan chức Mỹ về tác động của các chính sách lãi suất “diều hâu” của FED. Trước thềm cuộc họp chính sách cuối tháng 3/2023, nhiều nhà đầu tư, giới tài chính và chính khách Mỹ đã kêu gọi FED ngưng động thái tăng lãi suất để tránh đẩy nền kinh tế vào một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008.

Tuy nhiên, bất chấp cả số liệu kinh tế tích cực trong tháng 2 mới công bố, FED nhiều khả năng sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất từ 0,25% - 0.5% trong cuộc họp ngày 21-22/3 tới đây.

>>Cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn dài

Thứ nhất, tác động từ sự sụp đổ của một số ngân hàng hiện nay hạn chế hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong đó, nhiều chuyên gia bác bỏ việc so sánh trường hợp SVB với ngân hàng Lehman Brothers 15 năm về trước.

Về quy mô, Lehman Brothers là ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ vào thời điểm phá sản với giá trị hơn 600 tỷ USD. Bất ổn âm ỉ có tính hệ thống trong nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, khiến các khoản nợ trở nên không thể thanh toán và dẫn tới khủng hoảng thanh khoản toàn cầu.

Trong khi đó, SVB, với quy mô nhỏ hơn rất nhiều, chỉ gây ảnh hưởng đến lĩnh vực mạo hiểm và startup với một tệp khách hàng cô đặc. Chưa kể, những rắc rối của SVB đến từ nguyên nhân đầu tư sai lầm, và các trái phiếu vẫn có thể được thanh toán với những hỗ trợ phù hợp từ giới chức trách.

Ông Paul Krugman, nhà kinh tế học nổi tiếng của Mỹ, ủng hộ quan điểm này, lý giải rằng SVB chỉ là một ngân hàng nhỏ và nguồn tiền gửi tăng đột biến vào đây chỉ phản ánh sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ trong thời kỳ đại dịch của một bộ phận nhà đầu tư.

Thứ hai, dù các chỉ dấu kinh tế Mỹ mới nhất khá tích cực, nhưng đã không làm hài lòng FED, đặc biệt là số liệu về lạm phát cơ bản.

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 của Mỹ đã giảm tốc 0,4% trong tháng 2/2023, xuống mức 6%. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản – không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu – lại tăng lên 0,5% từ mức 0,4% tháng trước đó.

Bấy lâu nay, quan điểm của lãnh đạo FED là tập trung kiềm chế lạm phát giá hàng hóa dịch vụ cơ bản, thay vì quan tâm đến sự biến động không ngừng của giá lương thực và năng lượng – những nhân tố theo FED là quá bất ổn để có thể làm chỉ dấu cho chính sách vĩ mô.

Vì vậy, số liệu trên rõ ràng khiến giới chức FED lo ngại hơn là vui mừng. Điều này, cộng với một thị trường lao động bùng nổ, có thể làm suy yếu các nỗ lực kiềm chế lạm phát của FED bấy lâu nay.

Ngoài ra, sự hỗ trợ mới nhất của FED dành cho các ngân hàng liên quan đến vụ đổ vỡ vừa qua là một động thái để cơ quan này giữ nguyên chương trình tăng lãi suất.

Chương trình tài trợ có kỳ hạn của ngân hàng (BTFP) mới công bố sẽ cung cấp cho các ngân hàng khoản vay một năm, đồng thời được kỳ vọng có thể khôi phục niềm tin thị trường và ngăn chặn dòng tiền gửi bị rút ra.

Ông Lou Crandall, Chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu thị trường tiền tệ Wrightson ở New York, cho biết “về bản chất, chương trình cho vay ngân hàng sẽ cho phép FED tiếp tục tăng lãi suất”.

Trước đó ngày 07/03, chính Chủ tịch FED Jerome Powell đã cảnh báo “có thể tăng lãi suất mạnh hơn mức dự báo (0,25%), khi các số liệu nền kinh tế Mỹ đi ngược lại kỳ vọng của FED.

Sự đổ vỡ của SVB và các ngân hàng khác không có nhiều tác động diện rộng

Sự đổ vỡ của SVB và các ngân hàng khác không có nhiều tác động diện rộng

>>Khi nào FED ngừng tăng lãi suất?

Dù vậy, những hậu quả của chính sách lãi suất cao tới lĩnh vực tài chính Mỹ có thể là động lực để FED hạ mức tăng xuống 0,25% vào cuộc họp cuối tháng 3 này.

Ông Alfredo Romero, Phó giáo sư tại Đại học North Carolina, dự đoán FED “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất, nhưng tiến trình có thể chậm lại với sự sụp đổ của SVB, Silvergate hay Signature Bank, cũng như áp lực ngày càng gia tăng của giới tài chính và chính trị gia.  

Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, ông Sherrod Brown, hôm 14/3 đã thúc giục FED áp đặt các quy định cứng rắn hơn và tạm dừng tăng lãi suất. Hay Phó chủ tịch Ngân hàng Fidelity, David Royal, chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm cũng là một “dấu hiệu cho thấy FED có thể tạm dừng tăng mạnh lãi suất”. Các ngân hàng Bank of America và Citigroup cũng dự đoán mức tăng 0,25% lãi suất của FED sau cuộc họp tới đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Giới startup lo ngại khi HSBC mua lại SVB Anh

    Giới startup lo ngại khi HSBC mua lại SVB Anh

    11:29, 15/03/2023

  • Chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng gì từ việc SVB sụp đổ?

    Chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng gì từ việc SVB sụp đổ?

    04:50, 14/03/2023

  • Chủ động kịch bản ứng phó với đà tăng lãi suất của Fed

    Chủ động kịch bản ứng phó với đà tăng lãi suất của Fed

    05:02, 09/03/2023

  • Giá vàng ngày 8/3: “Rơi tự do” sau phát biểu

    Giá vàng ngày 8/3: “Rơi tự do” sau phát biểu "diều hâu" của Chủ tịch FED

    11:00, 08/03/2023

TRƯỜNG ĐẶNG