Thế khó của ông Tập Cận Bình khi thăm Nga
Dù được kỳ vọng lớn, nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề khó giải trong chuyến thăm Nga.
Chuyến thăm cấp cao từ ngày 20 – 22/3 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow được nhiều quốc gia và giới quan sát kỳ vọng có thể giúp chiến sự Nga – Ukraine đi đến hồi kết trong hòa bình. Thế nhưng, thách thức nào đang chờ đợi lãnh đạo Trung Quốc ở phía trước?
>>Hòa đàm Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ cần vai trò Trung Quốc?
Bài toán khó của Trung Quốc
Cả thế giới đang chờ xem nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ gỡ các “nút thắt” trong chiến sự Nga- Ukraine như thế nào, để vừa đem lại hòa bình mà không tổn hại mối quan hệ “không giới hạn” với Nga.
Chuyên gia Jonathan Eyal của Viện Sự vụ Hoàng gia London (RUSI) nhận định: “Hoặc Trung Quốc không làm gì và nhìn Nga thất thế ở Ukraine – một lựa chọn không có lợi cho Trung Quốc. Hoặc Bắc Kinh đến để viện trợ cho Nga và đối mặt quan hệ căng thẳng hơn với Mỹ và các nước phương Tây khác".
Trên truyền thông, Tổng thống Putin mới đây nói rằng rất kỳ vọng vào chuyến thăm của "người bạn tốt lâu năm Tập Cận Bình” sau khi hai nước tuyên bố tình bạn "không giới hạn" vào năm ngoái. Một chuyến thăm không đi đến kết quả có lợi cho Moscow chắc chắn sẽ khiến Putin phật lòng. Đây là thế khó của ông Tập Cận Bình khi tiến hành chuyến thăm Nga lần này.
Hướng đi nào trong vấn đề lãnh thổ?
Rào cản lớn nhất đặt ra cho ông Tập là vấn đề lãnh thổ. Trung Quốc trước đó đã nhấn mạnh rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng.
Do đó, Trung Quốc sẽ cần tìm cách thuyết phục ông Putin vốn không có ý định từ bỏ các lợi ích của Nga đã giành được tại chiến trường Ukraine. Trong khi đó, Kiev đã nêu rõ điều kiện chính để đạt được hòa bình là Nga rút quân khỏi các khu vực bị chiếm đóng, trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Ukraine hôm 16/3. Thậm chí, lãnh đạo Ukraine còn tham vọng đòi Nga trả lại bán đảo Crimea mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2014.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuần trước tạo thêm một áp lực cho Trung Quốc khi cho biết Mỹ sẽ phản đối bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Ukraine “có thể tạo điều kiện cho Moscow chiếm giữ các vùng lãnh thổ”. Phía Mỹ khuyên ông Tập làm việc với cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy để tránh mọi đề xuất “một chiều”.
Trong suốt chiến sự Nga- Ukraine, Trung Quốc đã cố gắng thể hiện vị thế trung lập, bất chấp hỗ trợ không nhỏ cho Moscow về mặt kinh tế hay một kế hoạch 12 điểm mang nhiều yếu tố thân Nga. Thế nhưng, nút thắt về quyền kiểm soát hiện trạng chiến trường chắc chắn sẽ là bài toán khó nhất dành cho ông Tập tại cuộc gặp này.
Cung cấp vũ khí hay không?
Một chủ đề nóng khác sẽ là vấn đề Trung Quốc hậu thuẫn thế nào cho Nga trong chiến sự Nga- Ukraine? Cho đến nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang sa lầy vào một trận chiến tiêu hao ở Ukraine. Mặc dù Moscow đã chuyển mục tiêu sang chiếm giữ các khu vực ở vùng Donbass ở phía Đông Ukraine, nhưng không có gì chắc chắn Nga có thể làm được điều đó trước các đợt viện trợ lớn sắp tới của Mỹ và phương Tây cho Ukraine.
>>Trung Quốc "đe dọa" vị thế của Mỹ tại Trung Đông
Vì thế, cuộc gặp với ông Tập Cận Bình có thể là cơ hội để ông Putin đề xuất một số giải pháp hỗ trợ hơn nữa từ Trung Quốc, có thể bao gồm viện trợ vũ khí sát thương hoặc phi sát thương.
Thế nhưng, một động thái viện trợ vũ trang cho Nga vào lúc này sẽ mâu thuẫn với những gì Trung Quốc tuyên bố xung quanh kế hoạch hòa bình 12 điểm. Các phát biểu của lãnh đạo và nỗ lực của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây cho thấy chính quyền Bắc Kinh thực sự nghiêm túc với vai trò “hòa giải viên” cho chiến sự Nga – Ukraine.
Nếu không thể viện trợ vũ khí cho Nga, Trung Quốc sẽ cần tìm ra các không gian hợp tác khác, đó có thể bao gồm tăng cường giao lưu hợp tác kinh tế. Nga vẫn đang thu được lợi ích từ Trung Quốc thông qua bán dầu giá rẻ, nhưng có một lĩnh vực khác Nga muốn Trung Quốc hỗ trợ là cung cấp chip bán dẫn và các nguyên liệu cần thiết để Nga duy trì năng lực sản xuất vũ khí.
Vấn đề với Trung Quốc là Mỹ và phương Tây đang đề cao cảnh giác trước động thái này. “Mỹ đang theo dõi diễn biến đó”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết hôm 13/3.
Một động thái can dự vào lĩnh vực sản xuất vũ khí của Nga hoàn toàn có thể bị biến thành cái cớ để Mỹ và phương Tây sử dụng để gây sức ép lên Bắc Kinh – điều mà họ đang muốn tránh trong bối cảnh hiện nay.
Với những vấn đề trên, có thể thấy dù có những ưu thế nhất định, Bắc Kinh sẽ cần thêm nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa để đi tới được những kết quả làm hài lòng các bên có liên quan.
Có thể bạn quan tâm
Chuyến thăm Nga đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc
14:29, 20/03/2023
Hòa đàm Nga - Ukraine: Vì sao Mỹ cần vai trò Trung Quốc?
04:00, 18/03/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: "Vết nứt" âm ỉ trong liên minh Mỹ- Ukraine
04:00, 14/03/2023
Vì sao Bakhmut quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine?
04:30, 11/03/2023