Hé lộ "vũ khí" Mỹ ngăn Trung Quốc viện trợ cho Nga
Mỹ và phương Tây đang sở hữu một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.
>>Chuyến thăm Nga đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tuần này, chiến sự Nga- Ukraine sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự. Trong khi nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tận dụng tầm ảnh hưởng để Nga theo đuổi một thỏa thuận hòa bình, thì cũng có những lo ngại ở các nước phương Tây rằng hai quốc gia này có thể hợp tác chặt chẽ hơn.
Do đó, nếu Trung Quốc quyết định cung cấp vũ khí cho Nga sẽ làm thay đổi nhiều vấn đề trên thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã cảnh báo giới lãnh đạo Trung Quốc rằng việc cung cấp các vũ khí sát thương cho Nga, ngoài viện trợ phi sát thương đã được cung cấp, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia phân tích, phương Tây có một số "vũ khí" để đe dọa Trung Quốc. Một trong số đó là làm gián đoạn sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc, từ đó giáng một đòn mạnh vào tham vọng kinh tế, công nghệ và vận tải của Bắc Kinh.
Đây cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình, vì ông đã nhấn mạnh khả năng tự túc về công nghệ là ưu tiên hàng đầu của đất nước.
Ngành hàng không không chỉ là niềm tự hào của Trung Quốc; lĩnh vực này cũng là nền tảng cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và là phương thức vận tải thiết yếu đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới, lưu lượng hành khách hàng không ở Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần từ năm 2000 đến năm 2019, từ con số 62 triệu hành khách lên 660 triệu hành khách.
Số lượng hành khách tăng theo cấp số nhân đã đưa Trung Quốc trở thành khách hàng lớn của các hãng sản xuất máy bay phản lực do phương Tây sản xuất. Dựa trên những con số do nhà sản xuất báo cáo, vào năm 2000, Trung Quốc chiếm 2% sản lượng máy bay trên toàn cầu. Vào năm 2018, năm cao điểm nhập khẩu, con số này là 23%.
Do đó, sau khi Mỹ và các đồng minh đã quyết định ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và hệ thống viễn thông, sản xuất máy bay có thể sẽ là bước tiếp theo. Trên thực tế, các phương tiện vận tải thương mại được ưa chuộng của Trung Quốc như máy bay vận tải MA700, máy bay phản lực chở khách khu vực tầm ngắn ARJ21, máy bay chở khách thân hẹp C919 và máy bay thân rộng CR929 phụ thuộc rất nhiều vào các công nghệ và hệ thống nhập khẩu của nước ngoài.
>>Trung Quốc đi "nước cờ" mới để nâng cao vị thế
Mặc dù Trung Quốc muốn phát triển các linh kiện nội địa thay thế cho các linh kiện nhập khẩu này để có thể sản xuất hoàn toàn các máy bay phản lực, nhưng đây sẽ là một con đường rất dài.
Theo ông Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành của AeroDynamic Advisory, một công ty tư vấn quản lý trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ, động cơ là mắt xích yếu nhất trong kế hoạch sản xuất máy bay của Trung Quốc. Khung máy bay, hệ thống máy bay và công nghệ có thể được sản xuất ở Trung Quốc, nhưng sản xuất động cơ phản lực là câu chuyện ở một cấp độ hoàn toàn khác.
Cho đến nay, chỉ có ba công ty bao gồm General Electric (GE) và Raytheon/Pratt & Whitney ở Mỹ và Rolls-Royce ở Anh có thể chế tạo động cơ phản lực thương mại. Bên cạnh đó, Tập đoàn Safran của Pháp cũng đóng vai trò là đối tác của GE trong lĩnh vực này. Ngoài những cái tên kể trên, không có lựa chọn nào khác cho chuỗi cung ứng sản xuất động cơ máy bay phản lực.
Ông Aboulafia cho biết thêm, Nga không thể trở thành đối tác cung cấp động cơ phản lực cho Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này có ngành công nghiệp sản xuất động cơ thương mại hạng hai, nhưng các nỗ lực để hồi sinh ngành sản xuất này của Nga không chắc chắn và rất chậm.
Ngày nay, Nga vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào máy bay và động cơ do phương Tây chế tạo và chỉ có thể duy trì hoạt động của các máy bay hiện có bằng cách trốn tránh các biện pháp trừng phạt.
Do số lượng nhà cung cấp có hạn, máy bay phản lực tầm ngắn ARJ21 của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) và C919 đều được trang bị động cơ GE hoặc GE/Safran, nhập khẩu từ Mỹ. Đối với ARJ21, không có kế hoạch nguồn cung dự phòng thay thế cho động cơ CF34 của GE.
Đối với C919, Trung Quốc đang phát triển động cơ CJ-1000A để thay thế cho đông cơ GE/Safran Leap-1C, nhưng động cơ này sẽ không được đưa vào sử dụng cho đến cuối thập kỷ này. Và CJ-1000A cũng phụ thuộc rất nhiều vào các công nghệ chủ chốt nhập khẩu từ phương Tây. Do đó, nỗ lực tự sản xuất động cơ máy bay của Trung Quốc có thể dễ dàng bị dập tắt bởi các lệnh cấm vận công nghệ.
Việc mất đi thị trường tăng trưởng then chốt này sẽ là một tin rất xấu đối với toàn bộ ngành hàng không toàn cầu, nhưng nó cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Sự tách rời hàng không giữa phương Tây và Trung Quốc không phải là điều không thể tránh khỏi và cũng không phải là điều các bên mong muốn.
Tuy nhiên, mối đe dọa làm tê liệt ngành công nghiệp sản xuất máy bay phản lực của Trung Quốc sẽ vẫn là một "con bài" hữu hiệu để Mỹ và phương Tây ngăn quốc gia này trở thành đồng minh tích cực hơn của Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc đi "nước cờ" mới để nâng cao vị thế
03:30, 21/03/2023
Chuyến thăm Nga đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc
14:29, 20/03/2023
Trung Quốc tham vọng thay đổi cán cân quyền lực kinh tế
11:10, 20/03/2023
Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc tại châu Á
05:00, 19/03/2023
Kinh tế Trung Quốc: "Lung lay" trụ cột tiêu dùng
04:30, 18/03/2023