Trung Quốc sử dụng "vũ khí" mới để cạnh tranh với Mỹ

TRƯỜNG ĐẶNG 28/03/2023 04:00

Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể nảy sinh từ cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung, mà trong đó ngoại giao và kinh tế sẽ là những "vũ khí" chính.

Căng thẳng không ngừng giữa hai cường quốc có đưa thế giới đến một cuộc Chiến tranh Lạnh?

Căng thẳng Mỹ- Trung leo thang có đưa thế giới đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Thế giới đang trở nên phân cực hơn về thương mại và địa chính trị, đe dọa tiến trình toàn cầu hóa và đẩy thế giới vào nguy cơ của một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai.

Căng thẳng Mỹ- Trung leo thang

Trong quan hệ song phương, Mỹ và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn căng thẳng nhất kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Với động lực kinh tế mạnh mẽ và ngoại giao đang lên, giờ đây giới lãnh đạo Bắc Kinh không ngần ngại chỉ đích danh Mỹ trong các tuyên bố cứng rắn.

>>Báo động đỏ nguy cơ thoái trào toàn cầu hóa

Ngày 6/3 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình công khai chỉ trích Hoa Kỳ rằng: “Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã kiềm chế và đàn áp chúng ta một cách toàn diện, điều này đã mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của chúng ta”.

Thông điệp cứng rắn này được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương lặp lại: “Nếu Hoa Kỳ tiếp tục đi sai đường, sẽ không có hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn chặn sự trật bánh, và chắc chắn sẽ xảy ra xung đột và đối đầu”.

Ngược lại, căng thẳng cũng khó có khả năng hạ nhiệt ở Washington khi đang có sự đồng thuận về cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc từ giới chính trị gia và công chúng Mỹ. Theo một cuộc thăm dò của Gallup được công bố hôm 7/3, số người Mỹ có thiện cảm với Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục, khoảng 15%. 

Không chỉ Mỹ, dư luận các nước phát triển cũng ngày càng coi Trung Quốc là một nhân tố “tiêu cực”, theo cuộc khảo sát toàn cầu của Trung tâm Pew tháng 9 năm ngoái.

Theo những nhà quan sát, những luận điệu gay gắt này gióng lên hồi chuông cảnh báo về một kịch bản đối đầu khi mối quan hệ Mỹ- Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Bill Bishop, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, nhận định: “Quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên tồi tệ với tốc độ nhanh hơn. Tôi e rằng chúng ta đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm hơn nhiều trong quan hệ giữa hai quốc gia".

Ngoại giao là vũ khí mới của Bắc Kinh

Thế nhưng, để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơn, Trung Quốc dường như đang nắm ưu thế. Washington, vốn bị phân tâm bởi nhiều vấn đề, dường như không tìm đủ giải pháp để khắc chế “vũ khí” ngoại giao ngày càng hiệu quả của Trung Quốc.

Đầu tháng 3 vừa qua, Trung Quốc công bố ngân sách cho ngoại giao và quốc phòng, trong đó khoản phân bổ cho ngoại giao tăng 12%, trong khi tăng 7% chi tiêu cho lĩnh vực quân sự.

Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã “hấp dẫn” các quốc gia bằng những khoản đầu tư khổng lồ từ Sáng kiến Vành đạ Con đường (BRI), đồng thời dồn nhiều nguồn lực vào ngoại giao công chúng và đóng góp cho các tổ chức quốc tế. Nhờ đó, sự hiện diện của Bắc Kinh bao phủ không chỉ ở châu Âu, châu Á mà còn rất nhiều nước châu Phi, châu Mỹ-Latinh, cho đến các quốc đảo Thái Bình Dương, với hơn 170 quốc gia có Đại sứ quan của Trung Quốc.

Trung Quốc đang là cường quốc có công tác ngoại giao năng động và hiệu quả nhất

Trung Quốc đang là cường quốc có công tác ngoại giao năng động và hiệu quả nhất

Giữa tháng 3 vừa qua, Trung Quốc thuyết phục thành công Saudi Arabia và Iran ký thỏa thuận hòa bình, dù hai quốc gia có lịch sử thù địch lâu dài. Trong tuần này, Honduras tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau 82 năm, đồng thời công nhận chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Ukraine thậm chí cũng được cho là muốn hưởng lợi từ túi tiền khổng lồ của cường quốc Đông Á.

Washington đã bỏ ngỏ chiến trường ngoại giao

Ưu thế ngoại giao của Bắc Kinh cũng bắt nguồn một phần từ sự "bỏ bê" của Washington trong lĩnh vực này. Trong nhiều năm qua, các ưu tiên ngoại giao của Mỹ đã bị phân tán ở Trung Đông, châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương. Dù tuyên bố khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên “xoay trục” mới, nhưng những thành tựu của Mỹ tại đây vẫn bị đặt dấu hỏi. Mỹ thất bại trong lôi kéo Ấn Độ chống lại Nga trong xung đột với Ukraine. ASEAN vẫn duy trì đường lối trung lập, trong khi sáng kiến IPEF không nhận được nhiều sự chú ý.

>>Mỹ ấp ủ nhiều "át chủ bài" như AUKUS để đối phó với Trung Quốc

Trong khi đó, Mỹ lại bị Trung Quốc lấy mất ảnh hưởng tại các khu vực quen thuộc. Saudi Arabia, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, giờ đây coi Trung Quốc là đối tác kinh tế gần gũi và chấp nhận vai trò hòa giải của Bắc Kinh trong giải quyết bất đồng với Iran. Brazil, Ấn Độ và Nam Phi là các bên tích cực của khối BRICS, với sáng kiến đáng kể nhất gần đây là tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thay vì đồng USD của Mỹ. 

“Hai mươi năm trước, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia. Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia”, Chuyên gia Daniel F. Runde, Phó Chủ tịch CSIS, nhận xét và nhấn mạnh Trung Quốc, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang vận dụng sức mạnh ngoại giao, an ninh, kinh tế và phát triển của mình nhằm tạo ra một hệ thống toàn cầu mới do chính họ lãnh đạo.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguy cơ

    Nguy cơ "đứt gãy" thương mại Mỹ - Trung

    03:30, 20/03/2023

  • Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    05:20, 28/02/2023

  • Mỹ ấp ủ nhiều

    Mỹ ấp ủ nhiều "át chủ bài" như AUKUS để đối phó với Trung Quốc

    04:00, 26/03/2023

  • Nga - Trung xây dựng

    Nga - Trung xây dựng "liên minh" đối trọng với Mỹ

    03:00, 23/03/2023

TRƯỜNG ĐẶNG