Chiến sự Nga- Ukraine: Khó khuất phục Nga bằng chiến tranh kinh tế
Rõ ràng, Washington đã thành công khi “đánh” vào kinh tế Iran, Triều Tiên, Venezuela và Cuba. Nhưng với Nga và Trung Quốc lại là chuyện khác.
>>Kinh tế Nga “tổn thương”, chiến sự Nga- Ukraine sớm kết thúc?
Hơn 1 thập kỷ qua, các biện pháp trừng phạt bằng kinh tế đã trở thành công cụ ưa thích của chính quyền Mỹ đối với những thực thể, quốc gia bị nhận diện “phương hại đến lợi ích Mỹ”.
Cũng không quá bất ngờ sau khi Nga sử dụng vũ lực với Ukraine, phương Tây đã phản ứng kịch liệt bằng 9 đòn đánh kinh tế, thương mại. Thay vì ứng xử như ở Trung Đông cách đây 20 năm về trước, Mỹ đã “vũ khí hóa” lợi thế tài chính, tiền tệ, công nghệ, đồng minh.
Nhưng hơn một năm trôi qua, hiệu quả của các biện pháp này mang lại những bài học quan trọng về giới hạn của chúng. Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu rất hữu dụng trong việc làm suy yếu các nguồn tài chính và cơ sở công nghiệp của Nga, nhưng chúng không đủ sức răn đe để thay đổi tính toán chiến lược của Moscow.
Rõ ràng, Washington đã thành công khi “đánh” vào kinh tế Iran, Triều Tiên, Venezuela và Cuba. Nhưng với Nga và Trung Quốc lại là chuyện khác. Các biện pháp trừng phạt không phải là thuốc chữa bách bệnh, và như những chiến thắng của Ukraine trước Nga trên chiến trường đã chứng minh, chiến tranh kinh tế không thể thay thế cho “sự phê phán của vũ khí”.
Các biện pháp trừng phạt ban đầu đã gây náo loạn thị trường, với việc đồng Rúp lao dốc và Nga buộc phải tăng gấp đôi lãi suất trong nước để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy. Sự thiếu hụt thiết bị công nghệ làm chao đảo lĩnh vực sản xuất, chế tạo trong nước của Nga.
Nhưng đến cuối năm 2022, ngày càng rõ ràng rằng Nga đã vượt qua cơn bão kinh tế ban đầu tốt hơn so với dự đoán của nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây, rằng quy mô nền kinh tế 1.800 tỷ USD sẽ mất 10% trong năm 2022 và mất thêm 5% mỗi năm sau đó. Tại sao Điện Kremlin có thể đảo ngược tình thế?
>> Chiến sự Nga - Ukraine: Vấn đề của Nga và thách thức với Mỹ
PGS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Triết học - Đại học Khoa học Huế từng có một nhận xét bên lề: “Trên thế giới này, nếu có một quốc gia đóng cửa vẫn phát triển được thì đó chính là nước Nga”. Để chứng minh luận điểm này có thể phải biên khảo nhiều tập sách đồ sộ.
Nhưng, sau hơn 1 năm chiến sự Nga- Ukraine, chúng ta mới tận thấy sức mạnh thực sự của năng lượng hóa thạch mà Nga là một trong những quốc gia nắm trữ lượng nhiều nhất. Nhờ dầu mỏ và khí đốt, Nga đã hấp dẫn Ấn Độ và Trung Quốc chìa cánh tay giúp Moscow tái thiết đầu mối thương mại.
Có thể nói rằng, chừng nào Trung Quốc, Ấn Độ và châu Á còn cần năng lượng Nga thì kinh tế Nga khó suy thoái như phương Tây mong đợi. Thông qua dòng chảy dầu mỏ, Moscow sẽ tranh thủ bù đắp khoảng trống công nghệ, kỹ thuật. New Delhi và Bắc Kinh đang nổi lên trở thành trung tâm R&D mới.
Cho dù phương Tây “cạch” dầu Nga nhưng không khiến mặt hàng chiến lược này rớt giá như những năm 80 dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Bởi vì, so với 40 năm trước, quy mô kinh tế toàn cầu gấp nhiều lần, nhu cầu về dầu mỏ, khí đốt tăng hàng chục lần. Không một nền kinh tế nào ổn định nếu thiếu dầu mỏ.
Ông Putin đã lãnh đạo Nga hơn 20 năm và có thể nhiều hơn, nhưng ông Biden và bất kỳ Tổng thống Mỹ nào cũng chỉ có thể tối đa 10 năm ở Nhà Trắng. Sự ổn định chính trị dựa trên nội các thân hữu là tiền đề duy trì các mục tiêu dài hạn. Rõ ràng, người dân Nga ít gây áp lực với lãnh đạo của họ hơn là người Mỹ với Tổng thống!
Và vì lý do nào đó, vũ khí kinh tế của phương Tây không được sử dụng tối đa, toàn diện. Bởi vì thiếu các lệnh trừng phạt thứ cấp với những quốc gia buôn bán thông thương với Nga. Điều này có thể nằm trong tính toán chiến lược “đón lõng” lợi ích mà giới hoạch định ở Washington vạch ra chăng?
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" nặng sau năm 2023
15:23, 09/03/2023
Kinh tế Nga "thâm thủng" do chiến sự Ukraine
04:30, 13/02/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" trừng phạt ra sao?
04:00, 25/01/2023
Kinh tế Nga “tổn thương”, chiến sự Nga- Ukraine sớm kết thúc?
04:30, 07/12/2022