BRICS tung đòn soán ngôi “vua tiền tệ” của USD
"Tiền tệ siêu quốc gia" là ý tưởng từng thất bại, nhưng với các nước BRICS, họ giàu động lực hành động để vượt ra khỏi sự chi phối của USD.
>>BRICS và tham vọng "tiền tệ siêu quốc gia" để loại bỏ USD
Tác giả Song Hong Bing đã “bẻ thẳng” những góc khuất của tiền tệ qua cuốn sách “chiến tranh tiền tệ” nổi tiếng của ông. Nhưng đến nay, công trình độ sộ ấy vẫn thiếu một nội dung quan trọng về tài chính, tiền tệ toàn cầu - mới xuất hiện.
Có lẽ, thời điểm viết cuốn sách, Giáo sư Kinh tế Song Hong Bing không thể tưởng tượng đến một ngày đồng USD bị thách thức thay thế bởi liên minh một nhóm nền kinh tế mới nổi.
Rất nhiều quốc gia muốn thoát khỏi “vòng kim cô” do Mỹ và USD tạo ra, nhưng phần lớn đều chết từ trong trứng nước. Mới đây, nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Trung Quốc, Brasil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi chính thức quyết định phát hành 1 đồng tiền chung được đảm bảo bằng đất hiếm, dầu mỏ, thậm chí bằng vàng.
Ý tưởng của BRICS đi xa hơn cả khi dùng đến các kim loại có giá trị chiến lược làm “bản vị”, quay lại lịch sử tiền tệ như đã từng kinh qua phương thức định giá đồng tiền “vật ngang giá chung” bản vị bạc, bản vị vàng và đương kim vô ngai vàng thuộc về “đồng bạc xanh”.
Đây là phương thức ưu việt. Vì sao? Vì không dựa vào giá trị độc tôn chỉ do nước Mỹ sở hữu. Thực ra, về bản chất, đồng USD cũng chỉ được "hộ tống" bởi dầu mỏ, súng đạn và chiến tranh do một nhóm cả công khai lẫn bí mật điều hành thông qua Cục dự trữ Liên bang (FED) - nơi duy nhất được in đồng USD.
Đến lượt nó, Mỹ lập ra các kênh thanh toán toàn cầu, buộc dùng USD. Ai cần buôn bán quốc tế đều phải bán hàng sang Mỹ, gom USD mới có thể giao dịch. Cơ chế này khiến tất cả các quốc gia trên hành tinh tìm mọi cách buôn bán với Mỹ.
Một trong những tác động đang diễn ra là FED liên tục tăng lãi suất chống lạm phát khiến hàng loạt Ngân hàng Trung ương và đồng tiền khác điêu đứng. Và cuối cùng, tất cả cũng chẳng thể thay đổi hiện trạng- hứng chịu lạm phát tràn lan từ Mỹ xuất khẩu ra toàn cầu.
Nói vậy để thấy rằng, thế giới cần đồng tiền đa phương, được định giá dựa vào các tài sản chung mang tính phổ biến - một đồng tiền có trách nhiệm với đại đa số.
Những người ủng hộ “phi đô la hóa” nói rằng quá trình này sẽ làm giảm sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào đồng tiền Mỹ và nền kinh tế Mỹ, điều này có thể giúp giảm thiểu tác động của những thay đổi kinh tế và chính trị ở “xứ cờ hoa” với phần còn lại.
Tuy nhiên, sự thể không đơn giản như thế! Dưới bức màn “phi đô la hóa” là cuộc chiến "một mất một còn" giữa các cường quốc, đại diện là Trung Quốc và Mỹ. Nước Mỹ, kinh tế Mỹ, vị thế Mỹ sẽ như thế nào nếu đồng tiền của họ bị soán ngôi?
Tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống dưới 59% trong quý cuối cùng của năm 2022, kéo dài thời kỳ suy giảm kéo dài hai thập kỷ, theo dữ liệu của IMF.
Đáng chú ý là sự sụt giảm tỷ trọng của đồng USD không đi kèm với sự gia tăng tỷ trọng của đồng bảng Anh, đồng Yên và đồng Euro. Thay vào đó, sự dịch chuyển ra khỏi đồng USD diễn ra theo hai hướng: 1/4 vào đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và 3/4 vào đồng tiền của các quốc gia nhỏ hơn vốn đóng vai trò hạn chế hơn với tư cách là đồng tiền dự trữ.
Diễn biến bất lợi về dự trữ ngoại hối sẽ ảnh hưởng trực diện đến ngôi vị Mỹ đang nắm giữ, và rằng tất thảy đều liên quan đến cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Đông Âu. Đó là cơ hội để Mỹ “xắn tay áo” đảm trách nhiệm vụ của cường quốc.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam "xoay trục" nới lỏng tiền tệ đầu tiên ở châu Á, lãi suất có giảm thêm?
04:50, 16/03/2023
Bước ngoặt mới của chính sách tiền tệ toàn cầu
05:30, 01/02/2023
BRICS và tham vọng "tiền tệ siêu quốc gia" để loại bỏ USD
04:30, 01/09/2022
Nga xoay trục sang BRICS để "né đòn" của Mỹ và phương Tây
04:30, 24/06/2022