"Tiền tệ siêu quốc gia" là ý tưởng từng thất bại, nhưng với các nước BRICS, họ giàu động lực hành động để vượt ra khỏi sự chi phối của USD.
>>Liên minh tài chính Nga - Trung: Thách thức “petrodollar”
BRICS là tên gọi của một khối những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, gồm Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Tổ chức này ra đời nhằm giải quyết nhu cầu khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ở nhiều góc độ, BRICS được xem đối lập với G7, G20.
Mới đây, Chủ tịch BRICS, Purnima Anand cho biết Nga và Ấn Độ không còn cần đến đồng USD trong thanh toán chung. Một cơ chế mới hình thành giữa Moscow và New Delhi cho phép chỉ sử dụng đồng ruble và rupee. Điều tương tự đã xảy ra với Nga và Trung Quốc.
"Phi đô la hóa" là thuật ngữ không còn mới. Phong trào này do Trung Quốc khởi xướng, “don đường” cho Nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế. Về lâu dài, BRICS muốn vượt qua Mỹ phải tìm cách hạ bệ “đồng bạc xanh” - nơi quyền lực Mỹ trú ẩn.
Hiện nay, nền kinh tế năng lượng - xương sống kinh tế Nga bị kìm kẹp bởi USD, hầu hết giao dịch dầu mỏ buộc thông qua hệ thống “petrodollars”. Rõ ràng, Kremlin không hề cảm thấy tự do trên thị trường dầu mỏ, khí đốt.
Những gì đến đã đến, phương Tây đã cấm vận Nga không được giao dịch qua hệ thống SWIFT, gây rối loạn ngành công nghiệp năng lượng, buộc nắn dòng về châu Á cho Ấn Độ và Trung Quốc.
Nắm trong tay “vũ khí năng lượng” rất hùng mạnh nhưng Nga chưa bao giờ được xem là cường quốc kinh tế. Nhu cầu thoát khỏi sự trói buộc của USD là thực tế. Nga công khai thách thức nhưng thế “đơn thương độc mã” khó thành công. Vì vậy, họ nhanh chóng bắt tay với Trung Quốc.
Trong khi Ấn Độ là tay chơi mới trong ván cờ mạo hiểm này. Ấn Độ từ trước tới nay cố gắng duy trì vị thế cân bằng giữa hai cực Đông - Tây, không gần gũi phương Tây, cũng không "bắt tay" Trung Quốc.
Nhưng chiến sự Nga- Ukraine làm thay đổi cơ bản chính sách của New Delhi, phần lớn do dầu thô và khí đốt Nga được chiết khấu cao, mang lại nguồn dự trữ quý báu cho quốc gia Nam Á. Theo đó, riêng khối lượng giao dịch năng lượng song phương giữa Nga và Ấn Độ đã tăng 25 lần kể từ sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine.
Trong khi Moscow tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp, dệt may và thuốc từ Ấn Độ. Nhìn chung, tổng kim ngạch thương mại song phương tăng 5 lần trong 40 năm qua.
Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOC) đã ký hợp đồng 6 tháng với Rosneft, mua 6 triệu thùng dầu mỗi tháng, kèm lựa chọn mua thêm 3 triệu thùng, với điều khoản thanh toán bằng tất cả các loại tiền tệ lớn, như rupee, USD, euro, tùy cơ chế tại thời điểm giao dịch. Cơ chế thanh toán bằng ruble và rupee có lợi cho Ấn Độ và Nga ở thời điểm này do đồng USD quá đắt đỏ so với phần còn lại.
>> Trung Quốc “bắt tay” EAEU loại bỏ USD
Trong lịch sử, cả 5 thành viên BRICS từng chịu áp lực cấm vận từ Mỹ. Không dừng lại ở đó, BRICS còn hướng đến thành lập rổ tiền tệ mới để sở hữu hệ thống thanh toán độc lập nhằm loại bỏ USD ra khỏi giao dịch.
Nhiều chuyên gia cho rằng, BRICS muốn hình thành “tiền tệ siêu quốc gia” (Supper Currency). Theo lý thuyết, đây là một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ của các nước BRICS, và tạo cơ sở cho một hệ thống tiền tệ toàn cầu mới.
Tính toán này xuất phát từ khi đồng USD bị chỉ trích “độc tôn” gây ra hàng loạt cuộc khủng hoảng tài chính. Vì thế, cần “siêu tiền tệ” đảm bảo quyền rút vốn đặc biệt dựa trên quy mô dự trữ, giúp giữ ổn định và công bằng.
Tiền tệ BRICS hoạt động theo cơ chế như vậy - nghĩa là một đồng tiền đại diện cho 5 loại tiền tệ của 5 thành viên khối. Do vậy, chúng cần hạ tầng vận hành, lưu chuyển mới.
Hiện BRICS có nhiều định chế, ví dụ SPFS (System for Transfer of Financial Messages - tạm dịch là Hệ thống truyền tin tài chính) của Nga; CIPS của Trung Quốc; Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Tất cả các hệ thống này có thể sẽ hỗ trợ cho tham vọng nói trên của BRICS. Tuy nhiên, việc loại bỏ USD khỏi giao dịch nội khối thì dễ, nhưng loại bỏ đồng bạc xanh khỏi thanh toán quốc tế thì sẽ khó như "bắc thang lên trời".
Có thể bạn quan tâm