BRICS muốn bảo vệ trật tự toàn cầu hóa hiện hành về thương mại, đầu tư, tài chính, trí tuệ nhân tạo, nhưng sức ép từ Hoa Kỳ là không nhỏ.
Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh tại Brazil vào ngày 6/7. Trong bối cảnh khủng hoảng thuế quan bao trùm khắp nơi, BRICS gặp phải rất nhiều thử thách về chiến lực kinh tế, thương mại, tài chính của khối.
Hàng loạt chương trình nghị sự của BRICS có nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc bởi cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” và công cụ thuế quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Căng thẳng Washington và Bắc Kinh để lại nhiều vấn đề với phần còn lại.
Khi Nhà Trắng bắt đầu khởi động tiến trình đàm phán thuế quan thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào đạt thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ không chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả tương ứng”.
Đáp lại, khi BRICS khai mạc hội nghị thượng đỉnh, ông Trump viết trên mạng Truth Social: “Bất kỳ quốc gia nào liên kết với các chính sách chống Mỹ của BRICS sẽ bị tính thêm thuế quan 10%. Sẽ không có ngoại lệ nào đối với chính sách này”.
Nhóm BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó, khối này đã bổ sung thêm Nam Phi và năm ngoái đã đưa Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào danh sách thành viên.
Theo các nguồn tin, Saudi Arabia đã hoãn việc chính thức gia nhập BRICS, trong khi 30 quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia BRICS, với tư cách là thành viên chính thức hoặc đối tác.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống nước chủ nhà Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva đã so sánh tôn chỉ mục đích của khối với phong trào “không liên kết” thời Chiến tranh Lạnh. “BRICS là người thừa kế của Phong trào “không liên kết. Chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công, quyền tự chủ của chúng ta một lần nữa bị kiểm soát”, ông Lula da Silva nói.
Nhóm BRICS ra tuyên bố chung, kêu gọi cải cách thể chế toàn cầu trong tài chính tiền tệ, thương mại, mô hình kinh tế tân tự do, trí tuệ nhân tạo.
Những chính sách mang tính đa phương hiện nay bị thử thách. Sự phân mảnh rõ rệt sau khi Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng, hiện tại chỉ vài quốc gia đạt được thỏa thuận cơ bản với Nhà Trắng. Rõ ràng trong lúc này không ai muốn bị loại ra khỏi các vòng đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.
Ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết: “Tổng thống Trump sẽ gửi thư cho các đối tác thương mại và nhấn mạnh rằng nếu các bạn không thúc đẩy để đạt được cam kết, thì vào ngày 1/8 sẽ quay trở lại mức thuế quan đã công bố ngày 2/4”. Như vậy có nghĩa mức thuế quan được công bố vào ngày 2/4 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 đối với các quốc gia không đạt được thỏa thuận với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Mặt khác, trong bối cảnh Hoa Kỳ đẩy mạnh chủ nghĩa đơn phương, BRICS được xem là đối trọng giữ thăng bằng trật tự thế giới. Nếu khối này có thể cung cấp giải pháp giảm bớt áp lực thuế quan từ ông Trump thì tiếng nói của họ càng trở nên có uy tín.