Trung Quốc có sai lầm khi "bên trọng, bên khinh" với EU?
Sự đối lập trong tiếp đón ngoại giao của Trung Quốc với Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho thấy sự thiếu thống nhất của Bắc Kinh trong ứng xử với EU.
Chuyến thăm Trung Quốc mới đây của hai lãnh đạo thuộc khối EU, Tổng thống Pháp Emanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Ursula von der Leyen diễn ra cùng thời điểm nhưng với hai thái cực hoàn toàn khác nhau.
>>Mỹ cần chuẩn bị "vũ khí" mới nào đấu với Trung Quốc?
Trong khi Bắc Kinh dành cho Tổng thống Pháp nghi lễ cấp cao và trang trọng nhất, thì Chủ tịch EC được Bộ trưởng Sinh thái và Bảo vệ Môi trường Trung Quốc tiếp đón với lối ra dành cho hành khách thông thường.
Hai hình ảnh đối lập dường như là lời đáp trả của Bắc Kinh với đại diện của EU về mặt ngoại giao. Trước chuyến thăm Trung Quốc, Chủ tịch EC đã có những phát biểu khiến Bắc Kinh phải “nóng mặt”. Trong đó, bà đề cập đến khả năng tách khỏi sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, cũng như quan ngại về sự quyết liệt của Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có phần cứng rắn này chưa chắc đã là một động thái khôn ngoan của Bắc Kinh. Dường như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang rất tự tin vào sức mạnh và cách xử lý các vấn đề quốc tế, đủ sức để áp đặt châu Âu phải nhượng bộ mình. Đó có thể là một suy nghĩ sai lầm.
Thứ nhất, Trung Quốc không nên quá tự tin trước sự nhiệt tình của phái đoàn doanh nghiệp Pháp. Sự phụ thuộc về thương mại của Paris nói riêng và EU nói chung vào Bắc Kinh là rõ ràng, nhưng điều đó không có nghĩa chính quyền Pháp làm ngơ Bắc Kinh trong cạnh tranh địa chính trị.
Tuyên bố mới đây của ông Macron, rằng Pháp sẽ “không theo chân” Mỹ trong vấn đề Đài Loan chỉ cho thấy Pháp đang theo đuổi một chính sách đối ngoại thực dụng, trong đó vừa hợp tác vừa đối đầu như nhiều quốc gia đang phát triển.
Ông Alexander Stubb, cựu Thủ tướng Phần Lan, nói rằng nếu châu Âu muốn đóng một vai trò quan trọng trong trật tự thế giới mới, đó “có nghĩa là ở càng gần Mỹ càng tốt, nhưng không tách rời khỏi Trung Quốc.”
Thậm chí, kể cả khi “lấy lòng” được Pháp hay Đức, Trung Quốc không có nhiều cơ hội thay đổi chiến lược bao vây của Mỹ và phương Tây.
Trong chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, Pháp không phải là hạt nhân trong chương trình hạn chế bán dẫn của Mỹ đối với Trung Quốc. Hay liên quan đến an ninh, Mỹ ưu tiên lôi kéo Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay ASEAN về phía mình, thông qua các chương trình như AUKUS hay QUAD.
Thứ hai, Trung Quốc đã tỏ ra tức giận với Chủ tịch EC khi bà chỉ trích cách tiếp cận của Bắc Kinh trên nhiều vấn đề. Nhưng trên thực tế, chính nhà lãnh đạo EC là người ủng hộ một đường lối mềm dẻo hơn Washington đối với Trung Quốc.
Trong phát biểu trước chuyến thăm Trung Quốc, bà Leyen nói rằng “những khác biệt không phải là lý do để châu Âu rời xa Trung Quốc, mà là để giảm thiểu bất kỳ rủi ro nào trong quan hệ đối tác, thay vì tách khỏi Trung Quốc như cách làm của Mỹ”.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói với CNN, giải thích lý do tại sao EU không thể thực hiện đường lối cứng rắn kiểu Mỹ để tách khỏi Trung Quốc: “Chúng tôi không ở vị trí địa lý, kinh tế hay chiến lược để làm những gì Mỹ đang làm. Chúng tôi không thể rời xa cả Nga và Trung Quốc cùng một lúc”.
Như nhiều chuyên gia quan sát, Trung Quốc thực chất cần vai trò của EU hơn là Nga. EU xuất khẩu khoảng 9% lượng hàng hóa sang Trung Quốc, trong khi nhập khẩu khoảng 20% hàng hóa từ Bắc Kinh, phần nhiều trong đó là các nguyên liệu quan trọng cho sản xuất. Theo đó, sự ủng hộ Moscow của Bắc Kinh phần nhiều để cho công chúng thấy được chính quyền đang hỗ trợ một đồng minh không thuộc phương Tây hay Mỹ, theo các chuyên gia.
Thế nhưng, việc có thái độ thờ ơ với chuyến thăm của Chủ tịch EC chỉ khiến Bắc Kinh chịu nhiều thiệt hại hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho phe diều hâu của EU có cớ để thúc đẩy các chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Nằm trong lịch trình, nhưng thỏa thuận về đầu tư đã không được lãnh đạo EU và ông Tập thảo luận. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) giữa hai bên nhiều khả năng đã chấm dứt. Ý tưởng đã được đề xuất từ 10 năm trước và đã được thống nhất giữa Trung Quốc và EU vào năm 2020, nhưng giờ đây nó có vẻ đã thực sự đi vào ngõ cụt.
>>Châu Âu đang "xích lại" gần Trung Quốc?
EU đang đứng trước “ngã ba đường” trong ứng xử với Trung Quốc, nhưng phản ứng có phần mâu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh trong chuyến thăm vừa qua của các lãnh đạo EU có thể khiến những khác biệt giữa Trung Quốc và khối EU có nguy cơ gia tăng, bất chấp những thỏa thuận song phương riêng rẽ giữa Bắc Kinh và các nước thành viên.
Có thể bạn quan tâm