Trung Quốc đi bước ngoại giao mới để định hình lại quyền lực toàn cầu
Sau khi từ bỏ chính sách zero COVID và mở cửa lại nền kinh tế, Trung Quốc đã có một quý đầu năm đầy bận rộn về mặt ngoại giao.
>>Châu Âu đang "xích lại" gần Trung Quốc?
Kể từ cuối tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ từ Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia, Pháp và Liên minh châu Âu – một lịch trình hoạt động ngoại giao dày đặc bất thường diễn ra khi các nước trông chờ vào sự tăng trưởng của quốc gia này trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu lao dốc sau đại dịch và chiến sự Nga- Ukraine.
Vừa qua, danh sách những nhà lãnh đạo tới Trung Quốc đã tăng lên bao gồm Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, người dự kiến sẽ ký một loạt thỏa thuận song phương với Chủ tịch Tập. Giống như một số nhà lãnh đạo khác, ông Luiz Inácio Lula da Silva đến Trung Quốc với hy vọng đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine.
Nhưng đối với cá nhân ông Tập Cận Bình, đây cũng là cơ hội để khẳng định tầm nhìn của ông về một trật tự toàn cầu không bị chi phối bởi các quy tắc và tầm ảnh hưởng của Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng điều đó đặc biệt cấp bách đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc này.
Ba năm thu hẹp chính sách ngoại giao do sự kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với đại dịch COVID-19 cùng với những thách thức kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt với Mỹ và những lo ngại ngày càng tăng của châu Âu về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã khiến Chủ tịch Tập Cận Bình chịu áp lực phải hành động.
"Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng đã đến lúc Trung Quốc thực hiện các kế hoạch chiến lược của mình. Một kết quả tốt có khả năng xảy ra là làm suy yếu các liên minh của Mỹ… Đó là lý do tại sao thế giới đang chứng kiến những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cố gắng ổn định và cải thiện quan hệ với các nước châu Âu, đồng thời tăng cường hợp tác với các nền kinh tế mới nổi", ông Li Mingjiang, Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết.
Khi các nhà lãnh đạo thế giới quay trở lại Bắc Kinh bất chấp những lo ngại quốc tế về mối quan hệ ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tận dụng cơ hội này để xâu chuỗi các cuộc trò chuyện của mình bằng những lời chỉ trích ngầm đối với Mỹ và các từ khóa báo hiệu quan điểm của chính ông về cách định hình lại quyền lực toàn cầu.
Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào cuối tháng trước, ông Tập nhấn mạnh rằng các nước châu Á nên cùng nhau kiên quyết phản đối hành vi bắt nạt, tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng và công nghiệp, đồng thời thúc giục Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kiên quyết chống lại tâm lý Chiến tranh Lạnh và đối đầu khối.
>>Vì sao chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp gây tranh cãi?
Theo thông tin từ phía Trung Quốc, khi trao đổi với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cảnh báo rằng “sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc-EU đòi hỏi EU phải duy trì sự độc lập chiến lược”.
Và khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Bắc Kinh vào tuần trước, ông Tập đã đưa ra những so sánh giữa Trung Quốc và Pháp rằng cả hai quốc gia đều là các nước lớn có truyền thống độc lập và ủng hộ vững chắc cho một thế giới đa cực.
Ông Jean-Pierre Cabestan, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông, cho biết: “Mọi thứ có thể làm suy yếu tầm ảnh hưởng của nước Mỹ và khiến các nước xích lại gần Trung Quốc hơn đều có lợi cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Do đó, chuyến đi của ông Macron được coi là một chiến thắng lớn của Bắc Kinh”.
Bên cạnh đó, vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến tại Ukraine cũng có thể trở thành một đòn bẩy ngoại giao hiệu quả. Một số nhà lãnh đạo như ông Macron đã coi Chủ tịch Tập là một đối tác tiềm năng có thể giúp thúc đẩy hai bên hướng tới một cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, trước chuyến đi của Tổng thống Lula, Brazil đã đưa ra một quan điểm khác là thúc đẩy việc tạo ra “một nhóm các nước hòa giải” bao gồm cả Trung Quốc. Nhưng việc Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội này như thế nào có liên quan chặt chẽ đến tham vọng toàn cầu và thế giới quan của Chủ tịch Tập Cận Bình. Và cách Bắc Kinh xử lý cuộc xung đột sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến quan điểm về Trung Quốc trên toàn cầu.
Ông Chong Ja Ian, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Trung Quốc, cho biết nhận thức về ảnh hưởng của ông Tập đối với ông Putin đã cung cấp “đòn bẩy” cho phép nhà lãnh đạo thu hút nhiều sự chú ý, và có thể nhận được nhiều sự ủng hộ hơn bao giờ hết”.
“Việc ông Tập có giành được bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào đối với Tổng thống Putin hay không, đặc biệt là việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ quyết định cái nhìn của thế giới về vai trò và vị thế của Trung Quốc”, ông Chong nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp gây tranh cãi?
03:00, 14/04/2023
Đòn trừng phạt của Mỹ đang thúc đẩy Trung Quốc tự chủ công nghệ?
03:30, 12/04/2023
Trung Quốc có sai lầm khi "bên trọng, bên khinh" với EU?
04:00, 11/04/2023
Châu Âu đang "xích lại" gần Trung Quốc?
03:30, 09/04/2023
Mỹ cần chuẩn bị "vũ khí" mới nào đấu với Trung Quốc?
04:00, 08/04/2023