"Lộ diện" chiến thuật tấn công tinh vi của Trung Quốc trên vũ trụ

TRƯỜNG ĐẶNG 28/04/2023 04:00

Những vụ rò rỉ gần đây của Mỹ đã cho thấy một cái nhìn rõ hơn về cách các cường quốc như Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc xung đột trên vũ trụ trong tương lai.

Chương trình không gian của Trung Quốc cũng bao gồm xây dựng năng lực quân sự trên vũ trụ

Chương trình không gian của Trung Quốc cũng bao gồm xây dựng năng lực quân sự trên vũ trụ

>>Lý do Trung Quốc từ chối nối lại ngoại giao với Mỹ

Những tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ gần đây đã cho thấy một cái nhìn rõ hơn về cách các cường quốc đang chuẩn bị cho một xung đột không gian tương lai. Trong đó, Trung Quốc đang phát triển các mô thức tấn công vào vệ tinh không gian vô cùng tinh vi, nhằm phá vỡ khả năng liên lạc quân sự của đối thủ.

“Bước nhảy vọt” về không gian của Trung Quốc

Trong thời đại công nghệ, gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống đều được hỗ trợ bởi liên lạc vệ tinh, từ giao dịch tài chính, điều hướng máy bay, dự báo thời tiết và dịch vụ internet. Đặc biệt, chiến sự Nga - Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng của vệ tinh trong quân sự.

Nhờ các thiết bị Starlink, Ukraine đã có thể sử dụng những vũ khí không người lái được điều khiển từ xa để tạo được ảnh hưởng lớn lên chiến trường, bất kể các trạm thông tin truyền thống đã bị tên lửa Nga phá hủy.

Các cường quốc nhận thức rõ điều này. Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh Không gian (SpaceCom) vào năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Trung Quốc đã chú trọng vấn đề này từ lâu.

Tên lửa Trường Chinh-4B mang theo vệ tinh Fengyun-3 07 đã phóng đi từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc

Tên lửa Trường Chinh-4B mang theo vệ tinh Fengyun-3 07 phóng đi từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc

Theo các chuyên gia, chương trình không gian của Bắc Kinh đã phát triển với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 1999, Trung Quốc đạt bước nhảy vọt với vụ phóng Thần Châu-1. Từ 2010 đến 2019, quốc gia này đã thực hiện hơn 200 vụ phóng. Năm 2022, Bắc Kinh lập kỷ lục với 53 vụ phóng tên lửa trong một năm với tỷ lệ thành công đáng kinh ngạc 100%.

Với nền tảng đó, Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã trở thành một hạt nhân trong hoạt động không gian toàn cầu và có nhiều kinh nghiệm về liên lạc vệ tinh.

Kế hoạch tấn công tinh vi

Tài liệu bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm khả năng “giành quyền kiểm soát một vệ tinh, khiến nó trở nên vô hiệu trong việc hỗ trợ thông tin liên lạc, vũ khí hoặc các hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát”.

Ý tưởng “bắt” một vệ tinh về mặt vật lý được coi là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Vệ tinh quay quanh hành tinh ở nhiều cao độ khác nhau, với quỹ đạo ổn định thấp nhất là khoảng 300 km cho đến các vệ tinh địa tĩnh ở độ cao khoảng 36.000 km.

Nguy cơ xung đột trên vũ trụ ngày càng hiện rõ

Nguy cơ xung đột trên vũ trụ ngày càng hiện rõ

Dù vậy, các chuyên gia Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu những cách thức khả thi để “tấn công” vào vệ tinh liên lạc của đối thủ khi xung đột xảy ra.

Thứ nhất là bão hòa vệ tinh. Đây được cho là phương pháp dễ nhất, bởi các vệ tinh giao tiếp với nhau bằng cách phát sóng trên một bộ tần số vô tuyến hoặc vi sóng cụ thể. Bằng cách bắn phá trạm thu hoặc chính vệ tinh, Trung Quốc có thể át tín hiệu một cách hiệu quả và gây gián đoạn liên lạc của đối phương trên chiến trường.

Thứ hai là gây nhiễu. Tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể xem xét khả năng chuyển hướng tín hiệu liên lạc đến vệ tinh hoặc trạm điều khiển mặt đất. Điều này đòi hỏi các tín hiệu công suất cao để đánh lừa đối phương rằng tín hiệu gây nhiễu là trạm truyền chính vì liên lạc sẽ khóa vào nguồn mạnh nhất.

Phương pháp gây nhiễu này hoạt động tốt nhất khi tín hiệu gây nhiễu không chứa thông tin, có nghĩa là cắt đứt hoàn toàn liên lạc của lực lượng đối phương trên chiến trường.

Cuối cùng, chiến thuật phức tạp nhất là “Gửi lệnh”, theo đó, tín hiệu ban đầu cần được áp chế và tín hiệu “giả” phải có khả năng giao tiếp và đánh lừa vệ tinh một cách chính xác.

Điều này đòi hỏi lực lượng tác chiến phải biết khóa mã hóa sẽ được sử dụng cũng như các lệnh và cú pháp chính xác. Loại thông tin này không thể đoán được, nghĩa là cần phải có dữ liệu tình báo về hệ thống phóng của đối phương. Dù khó nhất, nhưng chiến thuật này có thể giúp Trung Quốc đạt được ưu thế tuyệt đối nhất - gửi thông tin hoặc mệnh lệnh giả cho lực lượng mặt đất của đối phương.

>>Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Brazil có ý nghĩa gì với Mỹ?

Mô hình chiến tranh không gian đang phát triển với tốc độ như vũ bão cùng với sự phát triển của công nghệ. Và trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện nay, môi trường không gian hứa hẹn sẽ là một "chiến trường mới" của các cường quốc trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • EU tìm cách lôi kéo các

    EU tìm cách lôi kéo các "đồng minh" của Trung Quốc

    04:00, 25/04/2023

  • Tên lửa SpaceX hé lộ

    Tên lửa SpaceX hé lộ "chiến trường" khốc liệt mới giữa Mỹ và Trung Quốc

    04:00, 23/04/2023

  • Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Brazil có ý nghĩa gì với Mỹ?

    Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Brazil có ý nghĩa gì với Mỹ?

    04:00, 20/04/2023

  • Mỹ cần chuẩn bị

    Mỹ cần chuẩn bị "vũ khí" mới nào đấu với Trung Quốc?

    04:00, 08/04/2023

TRƯỜNG ĐẶNG