Lý do Trung Quốc từ chối nối lại ngoại giao với Mỹ

CẨM ANH 26/04/2023 11:11

Rất ít cơ hội để Mỹ và Trung Quốc cải thiện quan hệ trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng củng cố quan hệ ngoại giao với nhiều nước trên toàn cầu.

>>Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Brazil Luiz InAcio Lula da Silva

Trong tháng này, nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc Tập Cận Bình đã trải thảm đỏ đón Tổng thống Brazil Luiz InAcio Lula da Silva, ca ngợi ông là "một người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc". Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình cũng có cuộc gặp thân mật với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ngoài ra, ông Tập cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, gửi những lời chúc tốt đẹp cho tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Nhưng ngay cả khi ông Tập đã sẵn sàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới khác trong những tuần gần đây, thì Trung Quốc đã từ chối khởi động lại các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ. Và chính phủ của ông Tập đã tăng cường nỗ lực chia rẽ Hoa Kỳ và các nước phương Tây.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ trong khi công khai làm mất uy tín của Washington phản ánh quan điểm ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh khi các mối quan hệ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Một số nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh đã tin tưởng rằng việc đối thoại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là không có kết quả, ít nhất là vào lúc này. Và nó càng làm dấy lên lo ngại rằng hai cường quốc đang trong quá trình căng thẳng gia tăng có thể dẫn đến những đối đầu nguy hiểm, hoặc thậm chí là xung đột trực tiếp tại một số điểm nóng địa chính trị khác.

Mặc dù cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu G7 tại Nhật Bản đã tuyên bố sẽ cùng nhau giải quyết sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng quốc gia này vẫn nhận được sự ủng hộ từ phía các quốc gia khác.

Cụ thể, mới đây nhất, trong cuộc gặp của ông Tập với nhà lãnh đạo Brazil, ông Lula đã lên tiếng chỉ trích vị thế của USD trong nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Pháp Macron cũng đã cảnh báo châu Âu không nên để Mỹ kéo vào vấn đề Đài Loan. Và Thái tử Saudi Arabia Mohammed đã ca ngợi “vai trò mang tính xây dựng” ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông, đây là một sự công kích rõ ràng đến Mỹ.

Ông Craig Singleton, một thành viên cấp cao về Trung Quốc chỉ ra, đường lối cứng rắn hơn của Bắc Kinh phản ánh sự thất vọng của nước này đối với một loạt động thái của Hoa Kỳ, đặc biệt là liên quan đến Đài Loan. Sau đó là các cuộc tập trận quân sự chung mà Hoa Kỳ đang tiến hành với Philippines, được cho là cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Những động thái đó làm gia tăng sự phẫn nộ sâu sắc tại Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc và mối quan hệ an ninh ngày càng tăng giữa Mỹ và các quốc gia lớn trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ.

Đối với các quan chức Trung Quốc, việc nối lại đối thoại, bao gồm cả cuộc điện đàm được chờ đợi từ lâu giữa Tổng thống Joe Biden và ông Tập trở nên vô nghĩa trước những hành động được coi là sự thù địch và khiêu khích đang gia tăng của Mỹ. Các cuộc đàm phán cấp cao chỉ có thể tiến hành sau khi Hoa Kỳ thể hiện “sự chân thành đáng tin cậy bằng các hành động cụ thể”.

>>EU tìm cách lôi kéo các "đồng minh" của Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Macron

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Macron

Các nhà phân tích cho rằng ông Tập có thể tin rằng ông sẽ không đạt được kết quả khi đàm phán với Tổng thống Mỹ Biden vào thời điểm này, đặc biệt là khi quan điểm tiêu cực về Trung Quốc ở Hoa Kỳ ngày càng trở nên gia tăng.

Ông Minxin Pei, Giáo sư tại Đại học Claremont McKenna, nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc, cho biết có khả năng Bắc Kinh sẽ tái hợp tác với Washington một khi cảm thấy có nhiều đòn bẩy hơn. Điều đó có thể xảy ra sau khi Bắc Kinh thắt chặt quan hệ với các quốc gia như Brazil hoặc sau khi Bắc Kinh củng cố quan hệ với các nước ở châu Âu.

“Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ từ một vị thế có sức mạnh hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc không ở vị trí đó vào thời điểm này. Thành công của Mỹ trong việc tập hợp các đồng minh và tiến hành cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc chứng tỏ rằng họ vẫn mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc và có nhiều công cụ hơn để sử dụng", chuyên gia này phân tích.

Trung Quốc đang cố gắng vượt qua ranh giới giữa việc coi thường Hoa Kỳ về mặt ngoại giao và cố gắng thuyết phục các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư rằng họ mở cửa kinh doanh trở lại sau nhiều năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với COVID-19.

Một số ý kiến cho rằng triển vọng cải thiện quan hệ Trung-Mỹ trong thời gian tới vẫn còn xa vời. Ông Wu Xinbo, Trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết tiến bộ khiêm tốn mà ông Tập và ông Biden đạt được sau cuộc gặp ở Indonesia vào tháng 11/2022 gần như đã biến mất sau sự cố khinh khí cầu và việc bà Thái Anh Văn quá cảnh tại Hoa Kỳ.

“Theo quan điểm của Trung Quốc, mặc dù Tổng thống Biden thể hiện thái độ thân thiện ở Bali, nhưng ông ấy không thực sự sẵn sàng cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc cho rằng Mỹ không chân thành cũng như không có khả năng cải thiện quan hệ”, ông Wu nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • EU tìm cách lôi kéo các

    EU tìm cách lôi kéo các "đồng minh" của Trung Quốc

    04:00, 25/04/2023

  • Vì sao EU và Trung Quốc khó

    Vì sao EU và Trung Quốc khó "hồi sinh" Hiệp định đầu tư?

    03:30, 25/04/2023

  • Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?

    Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?

    03:36, 24/04/2023

  • Tên lửa SpaceX hé lộ

    Tên lửa SpaceX hé lộ "chiến trường" khốc liệt mới giữa Mỹ và Trung Quốc

    04:00, 23/04/2023

  • Trung Quốc sẽ làm gì với dầu mỏ?

    Trung Quốc sẽ làm gì với dầu mỏ?

    15:08, 20/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lý do Trung Quốc từ chối nối lại ngoại giao với Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO