Phân tích - Bình luận

Trung Quốc tiếp nhận lại máy bay Boeing - tín hiệu "hạ nhiệt" căng thẳng Mỹ - Trung

Nam Trần 14/05/2025 03:28

Trung Quốc cho phép nối lại hoạt động bàn giao máy bay của Boeing sau thỏa thuận thương mại tạm thời với Mỹ, mở ra cơ hội hợp tác cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trung Quốc đã cho phép các doanh nghiệp tiếp nhận máy bay Boeing đã đặt hàng từ Mỹ (Ảnh: Fox Business)

Động thái này chấm dứt lệnh cấm kéo dài một tháng đối với các hãng hàng không nội địa Trung Quốc, và được xem là một tín hiệu tích cực cho tiến trình hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo thông tin từ Bloomberg, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo trong tuần này rằng việc nhận máy bay Mỹ có thể được tiếp tục, cho phép các hãng hàng không tự quyết định thời điểm và điều kiện nhận bàn giao.

Việc khôi phục các đơn hàng từ Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích tức thì cho Boeing, vốn đang tìm cách duy trì dòng sản xuất và giảm thiểu thiệt hại từ những đợt gián đoạn đơn hàng do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại kéo dài.

Kết quả gián tiếp từ thỏa thuận thương mại

Quyết định được đưa ra không lâu sau thỏa thuận thương mại đạt được tại Geneva ngày 12/5, trong đó Mỹ đồng ý giảm thuế từ 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn 30% trong 90 ngày. Đáp lại, Trung Quốc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%; đồng thời gỡ bỏ một loạt biện pháp trả đũa được áp dụng kể từ đầu tháng 4.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, việc khôi phục thương mại trong một số lĩnh vực, bao gồm hàng không, vẫn chỉ là tạm thời nếu không đạt được thỏa thuận dài hạn trong ba tháng tới.

Thỏa thuận đột phá mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc cũng bao gồm việc đình chỉ thuế đối ứng từng được chính quyền Trump áp đặt gần đây, thiết lập cơ chế đàm phán trực tiếp giữa hai bên dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, và nhất trí về hợp tác trong việc ngăn chặn dòng chảy fentanyl.

Trung Quốc cũng cam kết xem xét dỡ bỏ một số rào cản phi thuế quan, mặc dù chưa công bố chi tiết cụ thể.

Điểm đáng chú ý là Mỹ không yêu cầu Trung Quốc phải tái cam kết các mục tiêu mua hàng quy mô lớn như trong thỏa thuận “giai đoạn 1” năm 2020. Việc này cho thấy Bắc Kinh đã giữ được lập trường nhất quán trong bối cảnh phải đối mặt với một loạt khó khăn kinh tế, bao gồm sản lượng công nghiệp giảm và xuất khẩu suy yếu.

Theo nhận định của chuyên gia Gerard DiPippo từ RAND Corporation, sức mạnh kinh tế tiếp tục đóng vai trò then chốt trong đàm phán, và kết quả trong đàm phán Mỹ - Trung lần này củng cố tính chính danh cho chiến lược tự lực tự cường của Bắc Kinh.

Cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phongu là bước tiến lớn
Kết quả đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tạo khoảng lặng 90 ngày cho hai bên giảm nhiệt thương chiến

Mở cơ hội "giảm nhiệt" trong tương lai

Thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc mang lại lợi ích rõ rệt cho cả hai phía. Với Mỹ, việc hạ thuế nhập khẩu và mở lại dòng thương mại song phương giúp kiềm chế áp lực lạm phát trong nước, đồng thời trấn an các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang lo ngại về tình hình bất ổn trước thềm bầu cử giữa kỳ năm 2026.

Về phía Trung Quốc, thỏa thuận mang lại không gian chính trị và kinh tế cần thiết để tiếp tục duy trì tăng trưởng, đồng thời cho phép Bắc Kinh giữ vững những nguyên tắc quản lý kinh tế nội địa mà họ coi là bất khả xâm phạm.

Việc lựa chọn Geneva làm địa điểm đàm phán, cùng với sự vắng bóng bất kỳ phát ngôn gây chú ý nào từ Tổng thống Trump trên mạng xã hội, cho thấy quá trình thương lượng lần này mang tính kín đáo và hòa dịu hơn những vòng đối đầu trước đó.

Dù vậy, những rủi ro vẫn còn hiện hữu. Việc Mỹ chưa loại bỏ các mức thuế theo ngành đối với ô tô, thép, nhôm và dược phẩm cho thấy các căng thẳng cốt lõi vẫn chưa được tháo gỡ. Nguy cơ quay trở lại trạng thái căng thẳng là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các cuộc đàm phán tiếp theo không tạo ra bước tiến rõ ràng.

Các học giả Trung Quốc lưu ý rằng những gì từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là lời nhắc nhở rằng quá trình đàm phán thuế quan có thể kéo dài và dễ đảo chiều.

Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc Trung Quốc quyết định nối lại tiếp nhận máy bay từ Boeing – biểu tượng của hợp tác công nghiệp Mỹ – cũng đã được xem là bước tiến thiện chí của Bắc Kinh nhằm mở đường cho các hợp tác khác với Mỹ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc tiếp nhận lại máy bay Boeing - tín hiệu "hạ nhiệt" căng thẳng Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO