Trung Quốc và lợi ích sát sườn trong chiến sự Nga - Ukraine
Kết cục chiến sự Nga - Ukraine có liên quan mật thiết đến toan tính chiến lược riêng của Trung Quốc, cũng như cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ.
>>Vì sao Trung Quốc quan trọng với hòa đàm Nga - Ukraine?
Trước ngày 24/2/2022, thế giới chỉ biết đến Trung Quốc là đối tác thân thiện của Nga, cũng không có mối liên hệ hữu cơ nào giữa Bắc Kinh và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Putin ở Ukraine.
Nhưng khi chiến sự Nga - Ukraine vượt ra ngoài tính toán của Điện Kremlin, Trung Quốc đã tận dụng tốt tình thế khó khăn của Moscow và nổi lên như một trong số ít bên hưởng lợi từ cuộc xung đột.
Trung Quốc đã không mạnh mẽ lên án cuộc chiến ở Ukraine tương xứng với tầm vóc cường quốc, thậm chí đã có những thông điệp mềm mỏng ủng hộ hộ Nga.
Khi chiến sự Nga - Ukraine bước qua năm thứ 2, Trung Quốc xuất hiện với vai trò “nhà kiến tạo hòa bình”, nhân tố chủ chốt trong mạng lưới đối tác mới giúp Nga duy trì nền kinh tế. Do vậy, Bắc Kinh nắm một phần quyết định đến tương lai xung đột ở Đông Âu.
Vai trò của Trung Quốc với chiến sự Nga - Ukraine hiện nay đã khác thời điểm trước ngày 24/2/2022. Phía Mỹ vạch ra “lằn ranh đỏ”. Washington đã đe dọa sẽ có những hậu quả nghiêm trọng (có thể dưới hình thức trừng phạt kinh tế đáng kể) nếu Bắc Kinh vượt qua ranh giới này - cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Nga.
Nhưng ngay từ đầu, Trung Quốc tỏ ra bản lĩnh, không dễ bị khuất phục bằng “khẩu chiến”. Ví dụ, Trung Quốc mua dầu Nga bất chấp mối đe dọa có thể bị Mỹ và châu Âu liệt vào danh sách “tài trợ chiến tranh”. Thậm chí, Trung Quốc và đối tác cố gắng xoay trục sức mạnh tài chính.
Trong cuộc hội đàm Mỹ - Trung tại Alaska năm 2021, phái đoàn Trung Quốc đã “khẩu chiến” thẳng thừng với chủ nhà. Những phát ngôn đầy tự tin của ông Dương Khiết Trì được đánh giá là minh chứng cho thay đổi cơ bản trong quan hệ Mỹ - Trung, điều mà Bắc Kinh đã kiên nhẫn chờ đợi suốt 120 năm qua.
>>Châu Âu muốn hòa đàm với Nga, Ukraine có chấp nhận?
Khủng hoảng Đông Âu lần này là cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy các kế hoạch lớn: Vừa tích lũy lợi thế cạnh tranh vừa thể hiện hình ảnh một cường quốc giàu trách nhiệm; có cơ hội đứng đầu một liên minh mạnh, sẵn sàng vùng dậy chống lại quyền lực Mỹ.
Trung Quốc có nhiều lợi ích lớn liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Đầu tiên, Trung Quốc giữ cho đồng minh lớn khỏi sụp đổ, sự liên thủ với Moscow là mảnh ghép lý tưởng lấp đầy khoảng trống.
Trường hợp xấu nhất, sự chia cắt của nhà nước Nga, có thể mang lại hỗn loạn với biên giới Trung Quốc, cản trở khả năng giao thương của Trung Quốc với Trung Á, Nam Kavkaz và Châu Âu.
Trung Quốc cũng hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể sắp xếp lại trật tự thế giới mới. Nếu phương Tây chiến thắng, điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào tham vọng của Trung Quốc về một trật tự toàn cầu mới, ở đó họ có phần nhiều hơn.
Đương nhiên, chiến sự Nga - Ukraine phần nào làm chậm bước tiến “xoay trục châu Á” của Mỹ, nghĩa là Trung Quốc có nhiều không gian và thời gian ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trung Quốc đã có mối quan hệ kinh tế khá ổn định với Ukraine từ trước chiến tranh, và chắc chắn nước này sẽ đóng một vai trò lớn trong quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh.
Có thể bạn quan tâm