"Hậu quả khôn lường" từ vấn đề trần nợ công Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cảnh báo nếu không sớm giải quyết vấn đề trần nợ công, Mỹ sẽ phải đối mặt với một "thảm họa kinh tế". Lời đe dọa đó không phải là vô căn cứ.
Ngày 25/4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng nếu Quốc hội không nâng trần nợ công, khiến Mỹ vỡ nợ, thì sẽ dẫn tới một “thảm họa kinh tế” trong nhiều năm tới.
Nỗi lo có đáng sợ
Khác với hầu hết các nước phát triển khác, Mỹ đặt ra giới hạn cứng về số tiền chính phủ có thể vay để chi tiêu trong năm. Nếu chính phủ chi nhiều hơn mức trần đó, họ sẽ phải tăng trần nợ hoặc “vỡ nợ” – tức là không thể chi trả cho lương nhân viên chính phủ và các hoạt động công khác.
>>Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?
Dù nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng trong lịch sử nước Mỹ, việc nâng trần nợ là một thủ tục tương đối thường xuyên đối với Quốc hội.
Kể từ năm 1960, Quốc hội Hoa Kỳ đã tăng mức trần nợ 78 lần, với lần tăng gần đây nhất vào năm 2021, lên mức 31.400 tỷ USD hiện nay. Quốc hội Mỹ cũng có thể chọn đình chỉ trần nợ, mặc dù động thái này rất hiếm trong suốt 90 năm đầu tiên tồn tại của mức trận nợ.
Dù vậy, gần đây các cuộc tranh cãi về trần nợ giữa hai đảng ngày càng trở nên sâu sắc và khó thỏa hiệp hơn. Năm 2011, căng thẳng về chi tiêu giữa Tổng thống Barack Obama và các nhà lập pháp Cộng hòa trong Quốc hội đã dẫn đến bế tắc kéo dài. Quốc hội cuối cùng đã đạt được thỏa thuận tăng trần nợ chỉ hai ngày trước khi Bộ Tài chính tuyên bố “vỡ nợ”.
Điều này đã gây ra tuần lễ được coi là biến động nhất trong lịch sử chứng khoán Hoa Kỳ kể từ năm 2008. Thậm chí, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings đã hạ bậc tín nhiệm của Hoa Kỳ lần đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay. Theo Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ - một cơ quan kiểm toán liên bang, ước tính sự chậm trễ này đã làm tăng chi phí vay của Hoa Kỳ lên 1,3 tỷ USD chỉ riêng trong năm đó.
Xu hướng đó cho tới này vẫn không có dấu hiệu giảm bớt. Theo các chuyên gia, sự phân cực chính trị trong nội bộ Mỹ đang lớn tới mức việc chính phủ đóng cửa do chạm trần nợ ngày càng diễn ra thường xuyên hơn.
Lịch sử hiện đại Mỹ ghi nhận tổng cộng 8 lần chính phủ nước này đã phải ngừng hoạt động vì không thể thông qua ngân sách. Lần đóng cửa gần đây nhất là vào năm 2018 dưới thời ông Donald Trump. Hay năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã phải hủy một loạt chuyến công du đến châu Á vì lý do trên.
Và hiện nay vấn đề này lại tiếp tục được nhắc tới, khi các nhà hoạch định chính sách một lần nữa bất đồng về tăng trần nợ vào năm 2023. Tổng thống Joe Biden ủng hộ tiếp tục nâng trần nợ công vô điều kiện, trong khi phe Cộng hòa chiếm đa số ở Hạ viện muốn chính phủ phải cắt giảm chi tiêu khoảng 4.500 tỷ USD để đổi lấy việc tăng trần nợ.
Hậu quả ngày càng lớn
Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng việc “vỡ nợ” chỉ là trên lý thuyết, nhưng hậu quả tài chính của nó là rất lớn. Học giả Roger Ferguson của Hội đồng Quan hệ Quốc tế quan ngại về viễn cảnh Washington tuyên bố vỡ nợ có thể gây ra sự hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Chắc chắn mức độ tín nhiệm tín dụng Mỹ sẽ bị hạ cấp, dẫn tới chi phí vay trở nên đắt đỏ hơn cho doanh nghiệp, đồng thời kéo theo sự đổ vỡ về niềm tin vào thị trường tài chính Mỹ vốn đã lung lay sau các vụ “lùm xùm” của một số ngân hàng.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã ước tính rằng việc vi phạm trần nợ sẽ ngay lập tức đình trệ khoảng 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ. Hay tổ chức tư vấn Third Way cho rằng, vỡ nợ có thể khiến ba triệu người Mỹ mất việc làm và làm tăng khoản nợ quốc gia thêm 850 tỷ USD.
Nguy hiểm hơn, sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu cũng sẽ bị phá vỡ do quy mô của đồng USD.
>>Tên lửa SpaceX hé lộ "chiến trường" khốc liệt mới giữa Mỹ và Trung Quốc
“Việc không đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, sinh kế của tất cả người Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh.
Trong viễn cảnh tiêu cực đó, trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ sẽ bị bán tháo và làm suy yếu đồng USD. Với viêc chiếm hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới, việc sụt giảm đột ngột của USD sẽ khiến giá trị của các khoản dự trữ này giảm xuống. Với các quốc gia thu nhập thấp, điều đó có thể khiến các khoản nợ bằng các loại tiền tệ khác trở nên đắt đỏ hơn và kéo theo các cuộc khủng hoảng nợ.
Quan trọng hơn, sự bất ổn của đồng USD sẽ mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc. Dù mới chỉ chiếm khoảng 3% lượng dữ trự ngoại tệ toàn cầu, nhưng Bắc Kinh đang thúc giục các quốc gia trên thế giới nhanh chóng đưa đồng Nhân dân Tệ (NDT) thay thế USD. Động thái này đã được một số quốc gia mới nổi hưởng ứng, bao gồm Brazil, Nam Phi hay Ấn Độ. Một “thảm họa tài chính” bắt nguồn từ Mỹ chắc chắn sẽ là động lực lớn để đẩy nhanh tiến trình phi đô la hóa trên toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Tên lửa SpaceX hé lộ "chiến trường" khốc liệt mới giữa Mỹ và Trung Quốc
04:00, 23/04/2023
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Brazil có ý nghĩa gì với Mỹ?
04:00, 20/04/2023
Mỹ còn “lựa chọn” nào để kết thúc chiến sự Nga - Ukraine?
04:00, 16/04/2023
Mỹ cần chuẩn bị "vũ khí" mới nào đấu với Trung Quốc?
04:00, 08/04/2023