Mỹ và phương Tây đang ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột không hồi kết giữa Nga và Ukraine. Và để kết thúc chiến tranh, họ chỉ còn một số ít lựa chọn.
Với lựa chọn đầu tiên, Mỹ và phương Tây cần gia tăng năng lực quân sự mạnh mẽ hơn cho Ukraine. Mục tiêu là đủ sức giúp Kiev phòng thủ thành công và tiến tới giành các kết quả có lợi trong chiến dịch mùa xuân năm nay. Mỹ và phương Tây sẽ tranh thủ lợi thế đó để kêu gọi các bên vào bàn đàm phán.
Để làm được điều đó, Mỹ và phương Tây cần tăng tốc quá trình sản xuất vũ khí, đầu tư và mở rộng năng lực quốc phòng để đáp ứng nhu cầu đạn dược và vũ khí cho Kiev. Vấn đề này cũng không phải dễ dàng, khi mở rộng dây chuyền sản xuất vũ khí đòi hỏi thời gian và tiền bạc.
>>NATO "lục đục" nội bộ vì chiến sự Nga - Ukraine
Dù vậy, những nỗ lực gần đây của NATO cũng đang cho thấy sự hiệu quả. Đó là chương trình huy động vũ khí của từng nước thành viên trong khối, thông qua tinh thần tự nguyện hoặc EU đứng ra mua lại để chuyển giao cho Kiev, trong khi Mỹ và các nước gấp rút gia tăng năng lực sản xuất vũ khí.
Theo cách tiếp cận này, một lệnh ngừng bắn sẽ được đề xuất khi cuộc tấn công của Ukraine gần đạt tới giới hạn. Việc dừng cuộc chiến đúng lúc sẽ ngăn cản việc kích động Nga và mở đường cho Moscow tiến tới hòa đàm không phải trong tư thế một người thua cuộc – điều mà ông Putin chắc chắn không chấp nhận.
Lý tưởng nhất là cả Ukraine và Nga sẽ rút quân và vũ khí hạng nặng của họ khỏi đường tiếp xúc mới, tạo ra một khu vực phi quân sự một cách hiệu quả. Một tổ chức trung lập, có thể là Liên Hợp Quốc, sẽ giám sát lệnh ngừng bắn.
Đồng thời, phương Tây cần lôi kéo cả Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ đề xuất ngừng bắn này. Điều này có thể phức tạp với Mỹ, nhưng Bắc Kinh rõ ràng có đủ động lực để ủng hộ điều đó khi nước này mới đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm.
Trong trường hợp Trung Quốc từ chối ủng hộ lệnh ngừng bắn, Mỹ sẽ có cớ để phản bác lại những lời kêu gọi liên tục của ông Tập Cận Bình về một giải pháp hòa bình cho Nga và Ukraine.
Dù vậy, hướng đi này đòi hỏi một yếu tố cực kỳ quan trọng: Ukraine phải giành thắng lợi trong cuộc phản công sắp tới.
Triển vọng này cho tới nay vẫn tương đối mơ hồ, xét đến năng lực quân sự chưa vững vàng của Kiev bất kể họ đã nhận được vô số viện trợ vũ khí của NATO. Những tài liệu mật mới bị rò rỉ đã cho thấy sự nghi ngờ của giới chức Mỹ đối với năng lực tác chiến độc lập của Kiev trước một quân đội Nga ở thế phòng thủ và được trang bị, huấn luyện kĩ càng hơn rất nhiều.
Một ý tưởng khác mà Mỹ có thể nghĩ đến, đó là đứng ra đóng vai trò trung gian hòa giải cho một lệnh ngừng bắn và một tiến trình hòa bình tiếp theo tiến tới chấm chiến sự Nga- Ukraine.
Nước cờ này đòi hỏi một cơ chế ngoại giao mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng có ít khả năng thành công trong bối cảnh hiện nay. Dù vậy, có một số yếu tố mà giới chức Mỹ có thể khai thác để thuyết phục hai phía.
Đầu tiên, chi phí chiến tranh ngày càng gia tăng và viễn cảnh một cuộc sa lầy quân sự không hồi kết rõ ràng là điều cả Nga và Ukraine đều không mong muốn. Ukraine đã mất khoảng 100.000 binh lính, trong khi nền kinh tế sụt giảm 30% kể từ khi xung đột. Nga thậm chí còn hứng chịu những hậu quả nặng nề hơn về kinh tế, chính trị hay nhân lực.
Thứ hai, Mỹ cần chứng minh cho hai phía thấy leo thang chiến tranh là “ngõ cụt”. Trong trường hợp Ukraine giành thắng lợi trong cuộc phản công, đó sẽ là động lực để Kiev tiếp tục đi xa hơn trên chiến trường. Vấn đề là chính quyền của Tổng thống Biden không tin Tổng thống Zelensky có thể giữ “cái đầu lạnh” để không vượt qua “lằn ranh đỏ” của Moscow.
>>Crimea- "nút thắt" chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine
Với Nga, tiếp tục cuộc chiến không hồi kết đồng nghĩa với nhiều gánh nặng, bao gồm một nền kinh tế tiếp tục bị thu hẹp và uy tín chính trị bị ảnh hưởng. Những tác động của các lệnh cấm vận sẽ khiến Moscow phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào Trung Quốc nhiều hơn – một điều mà Tổng thống Putin không hề mong muốn.
Cách tiếp cận hiện tại cho thấy dường như ông Putin đang đánh cược rằng Mỹ và châu Âu sẽ không thể kiên trì lâu với Ukraine. Nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại, các nước này đang từng bước vượt qua vấn đề lạm phát và năng lượng. Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây đang tăng tốc để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng. Đây rõ ràng không phải tín hiệu vui cho Moscow và Mỹ có thể vận dụng điều này để đưa hai bên xích lại gần nhau.
Chiến tranh hạt nhân có thể là một nguy cơ, nhưng đây là lựa chọn cuối cùng khi Moscow bị dồn tới bước đường cùng. Một cuộc tấn công hạt nhân có thể sẽ khiến NATO trực tiếp tham chiến, cũng như khiến Trung Quốc và Ấn Độ trở nên xa lánh với Nga.
Mỹ và phương Tây đang có cơ hội để kết thúc chiến sự Nga – Ukraine, nhưng các quan chức chính quyền Biden bị đánh giá quá an toàn với các lựa chọn của mình. Như ông Richard Haass và Charles Kupchan nhận định, “Chính sách của phương Tây bị mắc kẹt giữa các mục tiêu ngăn chặn ‘thất bại thảm khốc’ – một Ukraine thiếu vũ khí bị Nga đánh bại – và ‘thành công đáng lo ngại’ – một Ukraine được vũ trang quá mức khiến Putin bị dồn vào chân tường”.
Có thể bạn quan tâm