"Phao cứu sinh" nào cho Mỹ lấy lại vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương?
Trung Quốc đang gia tăng tầm ảnh hưởng và đẩy Mỹ ra khỏi những khu vực từng được coi là "sân nhà" của mình. Mỹ còn lựa chọn nào để vớt vát lại vị thế của mình?
Quyền lực đang xói mòn ở châu Á – Thái Bình Dương
Theo báo cáo mới đây của Viện Lowy (Australia), Trung Quốc đã gần đuổi kịp Mỹ về mức độ ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Xét trên 4 yếu tố trụ cột, gồm kinh tế, quốc phòng, ngoại giao và văn hóa, tổ chức này cho rằng không lâu nữa Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ về tầm ảnh hưởng tại khu vực từng được coi là thế mạnh truyền thống của Washington.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Lộ diện "nhân tố mới" Hàn Quốc
Thống kê mới nhất chỉ tiếp tục khẳng định một thực tế rằng quyền lực Mỹ đang dần xói mòn tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở những khu vực tranh chấp ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Được coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại, Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã khởi động một số chương trình can dự đáng chú ý vào khu vực này, như chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, IPEF hay các hoạt động hợp tác riêng rẽ với ASEAN, Ấn Độ, Australia. Thế nhưng, sau những màn ra mắt ồn ào, kết quả đạt được dường như khá trầm lắng.
Là một thành viên trong liên minh Bộ Tứ (QUAD) nhưng cho tới nay, Ấn Độ vẫn chưa cho thấy họ là một đồng minh đáng tin cậy của Washington. Hợp tác kinh tế chưa có nhiều đột phá, trong khi Mỹ lại thất bại trong lôi kéo New Delhi chống lại Nga.
Tại ASEAN, Mỹ chỉ cam kết chi hơn 100 triệu USD vào một loạt các lĩnh vực hợp tác, quá ít ỏi so với những “củ cà rốt” khổng lồ mà Trung Quốc đưa ra. Thương mại trở thành điểm nhấn trong hợp tác giữa Đông Nam Á và Bắc Kinh, với quy mô khoảng 669 tỷ USD - gấp đôi so với Hoa Kỳ.
Đầu tư là một trong số ít các lĩnh vực mà Mỹ có lợi thế cho tới lúc này. Mỹ vẫn là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN lũy kế là 328,5 tỷ USD tính đến thời điểm năm 2020.
Tuy nhiên, theo các số liệu, khoảng cách giữa hai nước không quá xa. Chưa kể, trong khi các doanh nghiệp Mỹ ưu tiên lĩnh vực tài chính, năng lượng thì doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư đủ hạng mục, từ cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất cho tới các CNTT, dịch vụ. Đặc biệt, với "Vành đai và Con đường" (BRI), Trung Quốc đang đặt dấu ấn lớn về chính trị nhờ các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ như bến cảng hay đường sắt cao tốc - điều mà Mỹ sẽ không thể sánh kịp.
An ninh trở thành "cứu cánh" để đối trọng với Trung Quốc
Thất thế về kinh tế, chính quyền Biden còn rất ít lựa chọn để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Một trong số đó là vấn đề an ninh.
Trong tháng 5 này, Tổng thống Joe Biden dự định sẽ thăm quốc đảo Papue New Guinea – lần đầu tiên kể từ năm 1901 có một tổng thống Mỹ đến đây. Động thái lạ này cho thấy Mỹ muốn củng cố lại quan hệ với một loạt các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm siết lại vòng vây an ninh của mình xung quanh Trung Quốc.
Năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Port Moresby với quy mô hoành tráng. Chuyến thăm kéo theo hàng loạt thỏa thuận hàng chục tỷ USD gây tranh cãi, cũng như ý tưởng về một tiền đồn quân sự của Bắc Kinh khiến Mỹ ngày càng lo lắng.
Lịch trình dừng chân của Tổng thống Mỹ ở Port Moresby sẽ nằm giữa hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản và hội nghị thượng đỉnh QUAD ở Sydney, Úc – hai sự kiện mà kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ là một chủ đề thảo luận sôi nổi.
Như Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu, hội nghị lần này sẽ thảo luận về cách thức nhóm bộ tứ “hợp tác” với ASEAN và Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) trên nhiều vấn đề của khu vực, bao gồm an ninh tại Châu Á – Thái Bình Dương.
>>"Nóng bỏng" cuộc tranh giành tài nguyên ở châu Phi
Trước đó, Mỹ đã ủng hộ Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia nhiều hơn vào vấn đề Nga – Ukraine thông qua việc tăng cường viện trợ vũ khí cho Kiev. Nhưng nhìn xa hơn, đây không khác gì một cách bật đèn xanh của Washington để hai quốc gia này gia tăng năng lực công nghiệp quốc phòng để phòng ngừa các nguy cơ từ Trung Quốc trong tương lai.
Vấn đề an ninh mà Mỹ thúc đẩy nhận được sự hưởng ứng của các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương bởi nó đúng vào giai đoạn Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự và cứng rắn hơn trong các tranh chấp – thứ gây ra nhiều quan ngại cho các nước láng giềng.
Dù vậy, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu về kinh tế, các quốc gia đang phải ưu tiên hài hòa giữa các lợi ích. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều quốc gia chọn chiến lược hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc – kể cả các cường quốc như Pháp, Đức - bởi lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh là quá lớn để từ bỏ.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ khi chính quyền Mỹ có thể tìm ra cách gỡ các nút thắt để mở rộng đầu tư kinh tế vào khu vực, thì Washington mới có thể nghĩ về việc lấy lại tầm ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương.
Có thể bạn quan tâm
"Lộ diện" chiến thuật tấn công tinh vi của Trung Quốc trên vũ trụ
04:00, 28/04/2023
Tên lửa SpaceX hé lộ "chiến trường" khốc liệt mới giữa Mỹ và Trung Quốc
04:00, 23/04/2023
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Brazil có ý nghĩa gì với Mỹ?
04:00, 20/04/2023
Chiến sự Nga - Ukraine thử thách chính sách của Mỹ đối với châu Á
05:00, 19/04/2023